Phát triển nghề thủy sản thành sản xuất chủ lực

Nuôi trồng thủy sản từng bước trở thành một trong những ngành sản xuất hàng hóa chủ lực và có vị trí quan trọng trong nền kinh tế.
Nuôi trồng thủy sản đang từng bước trở thành một trong những ngành sản xuất hàng hóa chủ lực, phát triển rộng khắp và có vị trí quan trọng và hướng đến xây dựng các vùng sản xuất tập trung.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2010 và triển khai kế hoạch năm 2011 do Tổng cục Thủy sản-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức vào sáng 24/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa chủ lực, các địa phương cần tăng cường phòng chống hạn hán, biến đổi môi trường và dịch bệnh; chỉ đạo kỹ thuật nuôi, kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật và thời gian thu hoạch; thường xuyên theo dõi diễn biến của chất lượng môi trường nước ao nuôi, nguồn nước cấp, mầm bệnh để có những biện pháp xử lý thích hợp.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức các hộ nuôi nhỏ, lẻ thành các tổ đội sản xuất; tạo mối liên kết giữa người sản xuất, nhà chế biến và tiêu thụ; thực hiện nhà chế biến có vùng nguyên liệu, người nuôi có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cũng như tuân thủ các quy định điều kiện sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Năm 2010, mặc dù thời tiết có nhiều biến đổi phức tạp như rét đậm, rét hại đầu năm, nắng nóng kéo dài gây hạn; lũ, gió lốc bất thường xảy ra nhiều hơn nhưng nuôi trồng thủy sản vẫn đang từng bước trở thà nh một trong những ngành sản xuất hàng hóa chủ lực, phát triển rộng khắp và có vị trí quan trọng và hướng đến xây dựng các vùng sản xuất tập trung.

Các đối tượng có giá trị cao có khả năng xuất khẩu được tập trung đầu tư, khuyến khích phát triển, hiệu quả tốt; phát huy được tiềm năng tự nhiên, nguồn vốn và sự năng động sáng tạo trong doanh nghiệp và ngư dân.

Nuôi trồng thủy sản đang góp phần hết sức quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp cũng như thực hiện xóa đói giảm nghèo ở các vùng miền của đất nước.

Trong năm 2010, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp tốt với các địa phương chỉ đạo quyết liệt thực hiện nuôi theo quy hoạch, kế hoạch, tuân thủ vụ mùa sản xuất; quản lý chặt chất lượng các yếu tố đầu vào như: chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường; môi trường và bệnh dịch trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm, hướng dẫn các địa phương đánh số cơ sở/ vùng nuôi tôm nước lợ.

Năm 2010, diện tích thả nuôi cả nước ước đạt 1,1 triệu ha với sản lượng nuôi khoảng 2,8 triệu tấn và sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 2,39 triệu tấn.

Để đạt được mục tiêu nuôi trồng thủy sản đạt 1,1 triệu ha với sản lượng 3 triệu tấn trong năm 2011, ngành thủy sản sẽ xúc tiến xây dựng các chương trình đầu tư cho thủy sản từ nhiều nguồn vốn khác nhau như ngân sách nhà nước, ODA...; tập trung phát triển nguồn thức ăn, con giống phù hợp với điều kiện, môi trường nuôi.

Tổng cục cũng sẽ rà soát, lựa chọn lại danh mục các dự án quy hoạch chỉ tập trung nguồn lực cho các quy hoạch thật cần thiết để phát triển ngành, trong đó, chú ý các quy hoạch đầu tư hạ tầng, các chính sách thúc đẩy sản xuất.

Tổng cục Thủy sản cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thiết lập cơ quan thường trực phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành thủy sản; đồng ý chủ trương cho thành lập Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản vùng Nam Bộ; đồng thời, rà soát và kiện toàn đối với tổ chức thực hiện công tác thú y thủy sản, công tác thanh tra chuyên ngành thủy sản, nhất là đối với địa phương./.

Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục