Tham khảo kinh nghiệm phát triển bền vững của Đức

Tọa đàm về công tác phát triển bền vững, tổ chức ngày 6/11, là dịp để Việt Nam tham khảo những kinh nghiệm về phát triển của Đức.
Ngày 6/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Quỹ Hans Seidel Stiftung (HSF) của Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức tọa đàm "Hợp tác phát triển kinh tế quốc tế và cơ hội cho sự phát triển bền vững tại Việt Nam."

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong cho rằng đây là dịp để các học giả, những nhà kinh tế của Việt Nam trao đổi và tham khảo những kinh nghiệm về phát triển kinh tế của Đức, một trong những quốc gia đầu tàu kinh tế của châu Âu.

Đánh giá Việt Nam là một đối tác quan trọng trong hợp tác phát triển, tiến sỹ Wolfgang Boetsch cho biết từ năm 1990, Đức đã hỗ trợ Việt Nam gần 1,5 tỷ euro cho phát triển. Hợp tác phát triển Đức-Việt tập trung vào 3 trọng tâm gồm phát triển kinh tế bền vững và đào tạo nghề; chính sách môi trường, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và phát triển thành phố; cải thiện hệ thống chăm sóc y tế phân cấp.

Theo tiến sỹ W.Boetsch, Việt Nam đặt mục tiêu năm 2020 trở thành một quốc gia công nghiệp, bên cạnh những điều kiện cơ sở hạ tầng, việc mở rộng hợp tác trong ngành nghề quan trọng là rất cần thiết. Những lĩnh vực sẽ đẩy mạnh hợp tác là công nghệ, nghiên cứu môi trường và nước, quản lý rừng...

Đánh giá về chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, tiến sỹ W. Boetsch cho rằng, đây là chiến lược quan trọng cần chú ý cơ cấu địa lý vì chiến lược này không chỉ liên quan đến việc "làm ra thảm cỏ xanh" mà còn liên quan đến bảo vệ khí hậu, môi trường. Việt Nam có đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long rất cần được bảo vệ trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có nước biển dâng...

Tiến sỹ Phạm Hoàng Mai đã trình bày nội dung cơ bản của “Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020;” nhấn mạnh phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước.

Việt Nam mong muốn các viện nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ Đức hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhân lực với những kỹ năng, công nghệ mới, hỗ trợ về công nghệ mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, sản xuất cácbon thấp...

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ các nội dung về vấn đề sử dụng năng lượng mới; công tác hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội triển khai theo hướng bền vững; đưa yêu cầu về tính bền vững trong từng chương trình dự án cụ thể; chú trọng hơn đến hợp tác phi tài chính..../.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục