Giảm thêm lãi suất: Toan tính những nước cờ mới

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, giảm lãi suất cần một quá trình. Nếu từ tháng 8/2011 mục tiêu đặt ra là giảm lãi suất cho vay về 17-19%/năm, thì đến nay mức 15%/năm vẫn được cho là còn cao. Thống đốc dự tính, nếu lạm phát cả năm nay được khống chế ở khoảng 7% thì lãi suất huy động VND có thể giảm tiếp, xuống còn 8%/năm. Và nếu nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, lạm phát vẫn được khống chế thì giữa năm 2013 lãi suất huy động có thể chỉ còn 7%/năm, khi đó lãi suất cho vay sẽ ở khoảng 10%/năm.
Quan sát thị trường trong thời gian này, các chuyên gia tài chính ngân hàng nước ngoài cho rằng, trong quý III và IV có thể sẽ cắt giảm thêm 1-2% lãi suất nữa. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong nước lại cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất.

Nhấp nháy những tín hiệu tốt

Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered vừa đưa ra báo cáo nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam. Lạm phát đã hạ nhanh hơn dự đoán ban đầu và có thể sẽ hạ xuống mức trung bình 8,8%/tháng trong năm 2012 từ mức 18,7% trong năm 2011. Lãi suất tái đầu tư cũng được dự đoán hạ xuống 9% cho đến cuối năm 2012 từ mức 11% hiện nay khi Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo báo cáo, Standard Chartered dự đoán mức GDP sẽ tăng 5% trong năm 2012, thấp hơn so với mức dự đoán trước là 5,8%.

Với những dự đoán trên, Standard Chartered cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục giảm thêm 1% lãi suất trong quý III/2012, kéo theo lãi suất cơ bản giảm xuống 9% vào cuối năm 2012. Điều này sẽ làm dịu bớt lo lắng của nhà đầu tư về vay vốn và tín dụng trong những tháng tới đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế nội địa bị yếu kém do khủng hoảng toàn cầu.

Tuy nhiên, Ngân hàng này cũng cho biết, quyết định cắt giảm lãi suất trong tương lai sẽ còn dựa vào phản ứng thị trường ngoại hối tiềm năng; thị trường này đã phản ứng tích cực với việc cắt giảm lãi suất trong thời gian qua.

Cũng theo nhận định của JPMorgan Chase, lạm phát giảm có thể sẽ dẫn tới việc Ngân hàng Nhà nước nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, theo đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo của JPMorgan Chase chỉ rõ, do lạm phát giảm nhanh, lãi suất chính sách thực tế của Việt Nam hiện vẫn ở mức cao nhất trong khu vực, bất chấp đã giảm 4%-5% (400-500 điểm phần trăm) từ đầu năm đến nay. JPMorgan Chase dự báo, lãi suất sẽ còn giảm thêm ít nhất 200 điểm phần trăm trong 6 tháng cuối năm.

Giảm nhưng cần thận trọng

Trong thời gian qua, mục đích của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là làm sao phải vực dậy được nền kinh tế, tạo ra môi trường thuận lợi cho kinh tế phát triển theo chiều sâu và chất lượng hơn. Trong 6 tháng qua, việc cắt giảm lãi suất rất mạnh. Với việc cắt giảm lãi suất này, Chính phủ cũng như bản thân các cơ quan quản lý Nhà nước nhận định, mức hạ này đã đủ để các doanh nghiệp tận dụng chính sách này và nền kinh cũng sẽ ổn định trở lại và sẽ tăng trưởng dần. Nhưng thực tiễn thì các doanh nghiệp và toàn xã hội lại kỳ vọng nhiều hơn nữa là cả lãi suất huy động và cho vay phải được giảm xuống nữa.

Trong đợt cắt giảm lãi suất trước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã từng tuyên bố lãi suất 9% sẽ được giữ nguyên từ nay đến cuối năm nên một số chuyên gia lo ngại Thống đốc sẽ không phá vỡ cam kết của mình.

Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Vốn và kinh doanh ngoại tệ của BIDV cho biết, lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm có xác suất khá cao vì đây là thời điểm khá thuận lợi để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu việc cắt giảm lãi suất.

Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng lại có cái nhìn khác hơn. Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cho rằng phải rất cẩn trọng trong việc cắt giảm lãi suất ở những đợt tiếp theo.

Ông Nghĩa tính toán, với lãi suất trần huy động 9%/năm như hiện nay, rủi ro tỷ giá và lạm phát được duy trì ở mức thấp khoảng 1% và 5% thì dư địa để hạ lãi suất còn khoảng 3%.

“Thời điểm hiện tại rất nhạy cảm về mặt lãi suất và Ngân hàng Nhà nước cũng phải rất thận trọng. Nếu hạ lãi suất xuống thấp thì rất có thể tâm lý găm giữ ngoại tệ sẽ quay lại, đẩy nội tệ ra thị trường và bùng lên nguy cơ lạm phát,” Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa nói.

Theo chuyên gia kinh tế này, khi lãi suất huy động nội tệ giảm dần thì sự hấp dẫn cũng giảm theo. Hiện nay trong nắm giữ giữa đồng nội tệ và ngoại tệ đang trong xu thế giằng co. Khi lãi suất huy động giảm xuống 9%, nhiều ngân hàng chuyển từ trạng thái âm ngoại tệ sang dương ngoại tệ và số lượng này không phải là nhỏ.

Một số chuyên gia cũng đánh giá, năm 2012 là năm đặc biệt trong điều hành chính sách tiền tệ. Trước đây, Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước một hạn mức tín dụng nhất định. Năm nay Chính phủ bỏ quy định về hạn mức cung tiền để Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn chủ động điều hành theo lạm phát mục tiêu để quyết định chuyện tăng cung tiền hay rút tiền về. Đây là điểm mới, gần như tiến tới điều hành chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, giảm lãi suất cần một quá trình. Nếu từ tháng 8/2011 mục tiêu đặt ra là giảm lãi suất cho vay về 17-19%/năm, thì đến nay mức 15%/năm vẫn được cho là còn cao.

Thống đốc dự tính, nếu lạm phát cả năm nay được khống chế ở khoảng 7% thì lãi suất huy động VND có thể giảm tiếp, xuống còn 8%/năm. Và nếu nền kinh tế phát triển ổn định, lạm phát vẫn được khống chế thì giữa năm 2013 lãi suất huy động có thể chỉ còn 7%/năm, khi đó lãi suất cho vay sẽ ở khoảng 10%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cam kết tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ như duy trì ổn định cho vay tái cấp vốn lãi suất 10% cho các ngân hàng thương mại trong thời gian 1 năm; cấp đủ vốn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và nông thôn; đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các công trình trọng điểm; xuất nhập khẩu; tăng cường giải quyết nợ đọng; kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của doanh nghiệp trong việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục