Chuyện về ngư phủ can trường 25 năm về trước

Là ngư phủ từng dọc ngang khắp ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, ông Dương Chính giờ vẫn là trụ cột chuẩn bị các chuyến ra khơi dài ngày.
Ông không phải là binh phu thời Chúa Nguyễn cách đây hơn 400 năm vâng lệnh triều đình dong thuyền ra quần đảo Hoàng Sa tìm kiếm hải vật và tuần phòng trên biển Đông của Tổ Quốc hay cắm mốc, dựng bia chủ quyền.

Và ông cũng không phải là binh phu trong Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa thời nhà Nguyễn cách đây hơn 200 năm đã được sử sách lưu danh như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Biện....

Ngư phủ Dương Chính hiện đang sinh sống ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Bây giờ tuy không đi biển nữa vì tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng ông vẫn là người không thể thiếu được trong các cuộc chuẩn bị ra khơi bám biển dài ngày của nhiều ngư dân làng chài thôn Đông thuộc xã An Hải.

Ông là một trong những “hậu duệ” đã nối gót các bậc tiền nhân, là ngư phủ can trường một thời ngang dọc khai thác hải sản dài ngày khắp ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa trong những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, mở đầu cho thời kỳ tiến ra khơi xa khai thác hải sản dài ngày trên biển.

Kinh nghiệm đi biển, nhất là kỹ thuật nghề lặn đêm khai thác hải sâm, kỹ thuật đánh bắt hải sản bằng lưới vây, lưới rút, lưới chuồn khơi, khả năng phỏng đoán hướng di chuyển của đàn cá, khả năng nhìn lên trời để “dự báo thời tiết...” đã được ông tích lũy cả đời và luôn được các ngư phủ thế hệ con cháu học tập cho dù phương tiện đi biển ngày nay hiện đại gấp hàng trăm lần thế hệ ông.

Ông Chính kể: ngày trước ngư dân trên đảo không có tàu đánh cá công suất lớn như bây giờ. Cả huyện cũng chỉ có vài chiếc tàu cá có công suất từ 20-33 mã lực, còn lại chủ yếu là thuyền thúng, thuyền nan nên chỉ khai thác loanh quanh ven gành, ven lộng gần bờ.

Quyết tâm ra khơi xa khai thác dài ngày trên biển, từ năm 1984, ông cùng ba nhóm hộ gia đình nữa vào xưởng đóng tàu ở Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh đặt đóng ba tàu cá công suất mỗi chiếc gần 40CV được coi là “hoành tráng” nhất huyện lúc bấy giờ. Có tàu công suất lớn rồi nhưng khó khăn lúc này, không có mấy ai có thể tin được mình có khả năng bám biển dài ngày.

Với quyết tâm và kiên trì của ông Chính, chuyến ra khơi dài ngày đầu tiên của ba chiếc tàu mang số hiệu QNg 071 TS, QNg 072 TS và QNg 073 TS, mỗi tàu có 15 ngư dân do chỉ huy trưởng Dương Chính chịu trách nhiệm cầm lái và tiên phong dẫn đường xuất bến vào ngày 9/6/1987 nhằm hướng Đông Bắc thẳng tiến.

Sau gần ba ngày đêm vượt sóng (ngày 12/6/1987), đoàn thuyền đánh cá của chỉ huy trưởng Dương Chính đã tiếp cận ngư trường được ông chấm tọa độ từ trước là khu vực đảo Tri Tôn hay còn gọi là Bãi Cát Vàng, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Hai ngày sau đó (ngày 14/6/1987), đoàn tàu đã di chuyển đến bãi đá, khu vực phía Bắc quần đảo Hoàng Sa và thả neo tại đây.

Ông chính nhớ lại, cả đời ông theo cha đi biển từ lúc còn là cậu bé hơn mười tuổi nhưng chưa bao giờ ông tận mắt chứng kiến ngư trường nào phong phú hải sản như nơi đây. Các loại hải sản có giá trị cao như ốc đụn, sa cừ, các lọai hải sâm nhiều vô kể, cá trích, cá nục đi từng đàn ken dày mặt biển.

Sau mười ngày khai thác, khoang chứa của cả ba chiếc tàu không còn chỗ chứa, chỉ huy trưởng Dương Chính ra lệnh nhổ neo nhằm hướng bến cảng Phú Thọ, tỉnh Quảng Ngãi trực chỉ.

Do không có phương tiện kỹ thuật hỗ trợ nên trong quá trình di chuyển đến ngư trường mới, người thuyền trưởng phải thường xuyên thay đổi hướng đi để tránh va phải chướng ngại vật, nhất là vào ban đêm.

Bây giờ tuy không đi biển nữa nhưng ngư trường khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với đặc điểm riêng của từng vùng, ông Chính vẫn còn nhớ như in. Đây cũng là nơi bà con thường đưa tàu thuyền vào neo đậu an toàn mỗi khi có bão. Ngư trường Hoàng Sa thực sự là “mái nhà chung” của ngư dân Quảng Ngãi nói riêng và ngư dân các tỉnh miền Trung nói chung, ông Chính tâm sự.

Bám biển dài ngày là công việc đầy gian khổ nhưng mỗi khi tàu đầy khoang trở về bến lại nôn nao nhớ biển. Vì nhớ biển và nguồn lợi đem lại từ biển nên mỗi năm đoàn tàu của ông Chính thực hiện không dưới 20 chuyến ra khơi bám biển dài ngày.

Sau chuyến ra khơi xa đầu tiên thắng lợi mỹ mãn ấy, đoàn thuyền của chỉ huy trưởng Dương Chính đã chính thức mở ra một thời kỳ làm ăn mới cho ngư dân huyện đảo Lý Sơn là tiến ra ngư trường khơi xa, bám biển dài ngày với các loại ngư cụ, tàu thuyền có công suất ngày càng lớn hơn, hiện đại hơn.

Nối tiếp nghề đi biển của cha, anh Dương Minh Thuấn, 35 tuổi, con của lão ngư Dương Chính bây giờ là thuyền trưởng của chiếc tàu có công suất 180CV chuyên hành nghề lặn bắt hải sâm và nghề lưới chuồn dài ngày ở ngư trường xa khơi thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Gần 25 năm kể từ chuyến ra khơi đầu tiên của lão ngư Dương Chính, đoàn tàu đánh cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn đã tăng lên đến hàng nghìn lần, tăng cả về quy mô lẫn chất lượng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn, ông Võ Xuân Huyện cho biết là huyện đảo nên Lý Sơn sớm xác định ngư nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Toàn huyện hiện có gần 400 tàu thuyền đánh cá với tổng công suất 25.000CV, trong đó có hơn 2/3 tàu đánh cá công suất lớn được trang bị đầy đủ ngư lưới cụ và các thiết bị đi biển hiện đại, đảm bảo khai thác có hiệu quả dài ngày trên biển. Mỗi năm ngư dân huyện đảo Lý Sơn khai thác trên 25.000 tấn hải sản.

Người dân huyện đảo đã thực sự đi lên từ kinh tế biển. Ngư trường khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ trước đến nay luôn là ngư trường đánh bắt hải sản chính của ngư dân huyện đảo Lý Sơn.

Cùng với việc người dân trên đảo mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn và mua sắm các trang thiết bị đi biển hiện đại, trong mấy năm qua nhiều công trình cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá như cầu cảng cá, vũng neo đậu tàu thuyền đã được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng và đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng cơ sở thu mua chế biến hải sản, sản xuất đá lạnh, cơ khí sửa chữa và đóng mới tàu thuyền, dịch vụ cung ứng vật tư đã tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều cho ngư dân trong quá trình tiến ra biển lớn. Kinh tế biển vẫn luôn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo Lý Sơn và của tỉnh Quảng Ngãi.

Còn lão ngư Dương Chính hàng ngày vẫn dõi theo những con tàu của xã nhà đang săn hải sản trên ngư trường Hoàng Sa. Trong đoàn thuyền ấy, có con trai ông là thuyền trưởng Dương Minh Thuấn đang cùng các bạn chài kiên cường bám biển. Từng con sóng, từng đàn cá ở ngư trường...vẫn hòa theo nhịp tim của ông, và Hoàng Sa là một phần máu thịt của ông!/.

Đoàn Hữu Trung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục