ECB tiến thoái lưỡng nan trong giải quyết nợ công

Việc ECB in thêm tiền để giải quyết vấn đề sẽ không bao giờ xảy ra, bởi vì với động thái này ECB sẽ mất khả năng kiểm soát lạm phát.
Giới thị trường đang trông chờ những hành động nhanh và dứt khoát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng nợ công đang ngày càng trầm trọng của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khả nằng ECB in thêm tiền để giải quyết vấn đề sẽ không bao giờ xảy ra, bởi vì với động thái này ECB sẽ mất khả năng kiểm soát lạm phát.

Không giống như Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hay Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), trong lịch sử ECB chưa từng tung ra khối lượng tiền mới khổng lồ thông qua việc mua tài sản, vì nhiệm vụ của thể chế này là kiểm soát lạm phát.

Ngay cả ở thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính 2008, hành động "táo bạo nhất " của ECB, được biết đến là nới lỏng định lượng, là mua các trái phiếu vốn không được đảm bảo chắc chắn.

Động thái này đã làm mất tác dụng của tất cả các biện pháp thanh khoản khác nhằm ứng phó với lạm phát. Nhưng cuộc khủng hoảng nợ công của Eurozone đã đạt tới điểm mà các thị trường bắt đầu đồn thổi về điều không tưởng đó.

Các quy định của ECB cho phép định chế này mua bất kỳ thứ tài sản nào ngoại trừ nợ quốc gia trực tiếp từ các chính phủ. Ông Robert Talbut, Giám đốc phụ trách đầu tư của hãng Royal London Asset Managment (hiện quản lý các tài sản trị giá khoảng 40 tỷ bảng), cho biết: "Tôi nghĩ điều đó là khó tránh khỏi. Nếu ECB không hành động triệt để, châu Âu có thể sẽ đối mặt với nguy hiểm, và khi đó ECB sẽ càng khó hành động."

Ông Talbut cho rằng cùng với việc tái vốn ngân hàng và xoá nợ cho Hy Lạp, việc nới lỏng định lượng có thể sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay.

Một số nhà phân tích khác cho rằng các nhà lãnh đạo chính trị cũng không thể hành động đủ nhanh để vực dậy các thị trường và xoa dịu áp lực lên các nước thành viên Eurozone, đặc biệt trong vấn đề hỗ trợ thêm một vài nước khó khăn khác như Italy và Tây Ban Nha.

Các giải pháp đặt ra trước các chính phủ, như phát hành trái phiếu châu Âu, có thể đối mặt với những thách thức lâu dài về hiến pháp, và thậm chí khó có thể thực hiện được về mặt chính trị. ECB luôn đặt trách nhiệm đó lên vai các chính phủ, đồng thời nhấn mạnh rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công cần phải là một chính sách tài chính có trách nhiệm. ECB nói rõ họ sẽ không bao giờ lao vào cái gọi là "nới lỏng định lượng hoàn toàn."

ECB đã chi 60 tỷ euro vào các trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản thế chấp trong một chương trình kéo dài một năm tính từ tháng 6/2009. Giới truyền thông mới đây cho rằng định chế này có thể tiếp tục làm việc này, nhưng để có thể tung ra một lượng tiền khổng lồ nữa, ECB sẽ phải tính đến việc mua các tài sản có độ rủi ro cao hơn.

Trong khi việc mua trái phiếu hay tín phiếu doanh nghiệp có thể làm thay đổi mạnh mẽ lòng tin trên thị trường và thúc đẩy tăng trưởng, điều này lại không phải là trọng tâm của vấn đề - giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.

Hiện ECB đang tiến hành mua trái phiếu của Italy và Tây Ban Nha trên thị trường thứ cấp, gián tiếp giúp chính phủ hai nước này cải thiện sức khỏe tài chính của mình. Kể từ tháng 5/2010 tới nay, ECB đã chi tổng cộng 156,6 tỷ euro để mua nợ của các chính phủ, với trái phiếu của Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha được mua trước tiên.

Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet từng tuyên bố vai trò của ECB trong cuộc khủng hoảng là duy trì sự ổn định trên các thị trường và kiểm soát lạm phát. Việc tạo ra một lượng tiền mặt mới khổng lồ vào thời điểm lạm phát đã vượt mức mục tiêu 2% sẽ đi ngược lại với nỗ lực kiểm soát giá cả một cách thận trọng trong một thập kỷ qua của ECB./.

Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục