Cần giải pháp mạnh bảo đảm an toàn thực phẩm

Các đại biểu Quốc hội nhất trí cần ban hành Luật an toàn thực phẩm để có các giải pháp mạnh, đồng bộ bảo đảm an toàn cho người dân.
Chiều 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ góp ý kiến vào dự thảo Luật An toàn thực phẩm, tập trung vào các nội dung phạm vi điều chỉnh; quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể; công tác kiểm tra an toàn thực phẩm...

Các đại biểu Trần Đông A, Huỳnh Thành Lập (Thành phố Hồ Chí Minh), Trần Thanh Nam (Bình Dương) và nhiều đại biểu khác nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật an toàn thực phẩm để có các giải pháp mạnh, đồng bộ khắc phục các hạn chế, yếu kém trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thời gian qua.

Việc ban hành Luật sẽ góp phần điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nảy sinh liên quan đến an toàn thực phẩm..., nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản thực phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thực phẩm.

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế-xã hội, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng các quy định như dự thảo Luật còn chung chung, không bao quát hết các vấn để nảy sinh trong thực tế nên khó đi vào cuộc sống.

Theo các đại biểu, với phạm vi điều chỉnh quá rộng, Luật không thể bao quát hết được nên có thể chia làm hai, ba luật để điều chỉnh đầy đủ các vấn đề đặt ra trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Luật cần quy định cụ thể về mặt quản lý Nhà nước, về sự phối hợp với các ngành, nhất là chính quyền địa phương… thì mới giải quyết tận gốc các vấn đề.

Một số đại biểu tán thành việc quản lý xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, tránh việc một cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nhiều cơ quan quản lý nhà nước vào thanh, kiểm tra, giảm bớt đầu mối các bộ tham gia vào công tác quản lý thực phẩm, phân cấp mạnh cho Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung chế tài xử lý các hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, để đủ sức răn đe, phòng ngừa cũng như xử lý thống nhất các vi phạm về an toàn thực phẩm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Các đại biểu đề nghị cần có quy định theo nguyên tắc phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương và giao Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc ban hành quy định quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố.

Đối với việc quản lý bếp ăn tập thể, các đại biểu cho rằng, hiện nay, tình trạng ngộ độc thực phẩm do ăn tại bếp ăn tập thể, đặc biệt tại bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp vẫn có chiều hướng gia tăng, vì vậy, trong dự thảo Luật cần quy định quản lý an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, trong đó quy định về cách thức chế biến, lưu mẫu, trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, bếp trưởng trong việc thực hiện quy định bảo đảm an toàn thực phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục