Hà Nội thảo luận về ba đề án phát triển thành phố

Ba đề án được Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội thảo luận lần này rất quan trọng đối với phát triển Thủ đô, trong đó có Quy hoạch chung.
Ngày 7/4, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 19 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, ba đề án được đưa ra thảo luận tại kỳ họp này rất quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Các đề án được thảo luận gồm Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, vừa có ý nghĩa thực tiễn cấp bách trước yêu cầu ở rộng địa giới hành chính, vừa có ý nghĩa chiến lược quan trọng, lâu dài, định hướng phát triển cho những năm sau, là căn cứ để Thủ đô xây dựng các quy hoạch cụ thể.

Ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, Chiến lược phát triển Thủ đô phải xác định được những định hướng phù hợp nhất, khả thi nhất; kế thừa và phát huy bản sắc và tiềm năng, thế mạnh các vùng miền của Thủ đô mở rộng, đồng thời cần xác định các bước đi cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Quy hoạch phải thể hiện được những yêu cầu chung cũng như những yêu cầu xuất phát từ đặc thù của Thủ đô Hà Nội.

Đề án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, sự khớp nối với những quy hoạch, đề án, định hướng phát triển đã, đang và sẽ thực hiện trên địa bàn. Đồng thời, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa trước mắt và lâu dài, giữa khả năng và hiện thực, để xây dựng phương án phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Thủ đô, đất nước.

Dự thảo định hướng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 xác định 5 chức năng cơ bản của Hà Nội là trung tâm chính trị-hành chính của quốc gia, trung tâm văn hóa lớn, trung tâm khoa học giáo dục-đào tạo hàng đầu, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và trung tâm giao dịch quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia.

Hà Nội quán triệt phương châm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là nhiệm vụ then chốt, quản lý đô thị là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng, xác định đúng trọng tâm, các khâu đột phá, có những giải pháp năng động, sáng tạo và hiệu quả, có bước đi thích hợp trong từng giai đoạn để kết hợp hài hòa giải quyết các vấn đề cấp bách với kiên trì thực hiện các mục tiêu dài hạn.

Hà Nội phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm từ 9-10% (giai đoạn 2011-2020) và 7,5-8,5% (2021-2030), GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 5.100-5.300USD, năm 2030 đạt 11.000-12.000USD.

Đến năm 2030, cơ cấu kinh tế có tỷ trọng khu vực dịch vụ và công nghiệp chiếm tỷ trọng trên 98%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 85%; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 67-70%; quy mô dân số khoảng 9-9,4 triệu người.

Về tổ chức không gian đô thị, định hướng chung là xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị xanh, văn hiến, hiện đại, trên nền tảng phát triển bền vững, gắn quy hoạch xây dựng thành phố Hà Nội với phát triển không gian vùng Thủ đô, các vùng kinh tế xã hội của Bắc Bộ và cả nước.

Tổ chức không gian đô thị Hà Nội theo mô hình chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm hạt nhân và 5 đô thị vệ tinh là Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên-Phú Minh, Sóc Sơn.

Đến năm 2030, Hà Nội sẽ phát triển xứng đáng là Thủ đô, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia của một đất nước với trên 100 triệu dân, là một đô thị sinh thái, môi trường trong sạch, có sự gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên-xã hội-con người trong một không gian đô thị phát triển bền vững.

Tại hội nghị, các ý kiến thảo luận tập trung làm rõ các vấn đề về tính đồng bộ, gắn kết thống nhất giữa chiến lược phát triển với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; khả năng huy động, phát huy các nguồn lực tự nhiên, nguồn lực về kinh tế, xã hội, văn hóa cho mục tiêu phát triển và hội nhập; quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phúc lợi công cộng đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó, các vấn đề về cơ chế, chính sách và các giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô trong giai đoạn mới; căn cứ khoa học và thực tiễn của các chỉ tiêu; đánh giá và dự báo khả năng huy động, phát huy các nguồn lực tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hoá cho mục tiêu phát triển và hội nhập... cũng được nêu ra bàn thảo.

Diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/4, Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội còn thảo luận các vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế-xã hội Thủ đô 3 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2010; một số nội dung chỉ đạo Đại hội Đảng bộ các cấp và chuẩn bị Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ thành phố và công tác cán bộ./.

Hồng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục