Rục rịch tăng cước

Các doanh nghiệp vận tải rục rịch tăng cước

Giá xăng và giá dầu cùng tăng khiến các doanh nghiệp vận tải phải cân nhắc việc điều chỉnh giá cước trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội ôtô Việt Nam, cho biết giá xăng tăng lên 14.200 đồng/lít; còn dầu diezel tăng lên 12.100 đồng/lít khiến các doanh nghiệp vận tải đều phải cân nhắc tới việc điều chỉnh giá cước bởi chi phí nhiên liệu đang chiếm 35 - 45% tổng chi phí vận chuyển.

Việc tăng giá cước sẽ tuỳ theo việc điều tiết giữa các khoản chi phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp vận tải đã tăng cước tại đợt tăng giá xăng dầu vào 10/6 sẽ không tăng giá đợt này; còn những doanh nghiệp vận tải nào chưa tăng giá từ tháng 4 trở lại đây chắc chắn sẽ tăng giá cước bởi cộng dồn những đợt xăng tăng trước đó đã tăng đến 2.700 (gần 30%) và giá dầu diezel tăng 20%.

Về phương án điều chỉnh, đại diện Công ty cổ phần xe khách Hà Nội và Công ty xe khách Tân Đạt cho biết, các tuyến vận tải đường dài chắc chắn sẽ tăng giá cước vì nhiên liệu chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành. Hiện lãnh đạo công ty đang lên phương án vì muốn tăng giá vé phải qua nhiều thủ tục trình báo với cơ quan chức năng, in lại giá vé. Giá cước tăng nhanh nhất cũng phải mất 2 tuần nữa.

Đại diện Hãng taxi Thanh Nga cho biết doanh nghiệp đang lên phương án tăng cước. Vào đầu năm, tính bình quân một xe taxi Matiz tiêu thụ 80.000 đồng tiền xăng/100km; với giá xăng như hiện nay, mức tiêu thụ lên tới 120.000 đồng/100km. Với giá xăng tăng như hiện nay, doanh nghiệp đang lên phương án tăng giá cước, mức tăng có thể 5 - 10%.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng búc xúc của các doanh nghiệp vận tải là việc tăng giá xăng liên tục và quá quy định của Bộ Tài chính (mỗi lần tăng giá không quá 500 đồng/lít). Việc tăng giá xăng dầu khiến doanh nghiệp vận tải luôn phải “chạy theo đuôi” các doanh nghiệp xăng dầu. Trong khi việc tăng giá cước rất nhạy cảm vì tác động lớn tới “túi tiền” của người dân, cũng như là yếu tố đầu vào của nhiều doanh nghiệp sản xuất khác.

Ông Hùng cũng kiến nghị, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) cần điều tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bởi hiện nay có khoảng chục doanh nghiệp được nhập khẩu xăng dầu và nhiều đơn vị chiếm trên 30% thị phần và xem xét việc tăng giá xăng dầu có hợp lý hay không, nếu tình trạng tăng giá xăng dầu liên tục như trong thời gian qua ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân nói chung và doanh nghiệp vận tải nói riêng./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục