Đưa quan hệ hợp tác Việt-Pháp đi vào chiều sâu

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Pháp được đánh giá là đòn bẩy thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt của hai nước.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Thủ tướng Cộng hòa Cộng hòa Pháp Francois Fillon từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao được đánh giá là đòn bẩy thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đưa mối quan hệ hai nước đi vào chiều sâu.

Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ Pháp Francois Fillon sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 đến 13/11/2009.

Là cường quốc kinh tế số 5 của thế giới, đứng thứ 3 về xuất khẩu dịch vụ, Pháp có số lượng doanh nghiệp rất lớn và chiếm vị trí hàng đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực.

Với truyền thống trong phát minh công nghiệp, hệ thống giáo dục chất lượng cao, đội ngũ nghiên cứu sinh có trình độ cao; đầu tư lớn cho nghiên cứu-phát triển, năng suất lao động của Pháp thuộc loại hàng đầu thế giới.

Do đó, Pháp được coi là cường quốc trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ mũi nhọn như cơ khí, nhất là sản xuất ôtô (đứng thứ 4 thế giới); hàng không (đứng thứ 3 thế giới); năng lượng, thiết bị giao thông vận tải, vật liệu xây dựng, viễn thông, công nghiệp dược, mỹ phẩm, thời trang cao cấp, dịch vụ hệ thống tài chính ngân hàng, bảo hiểm, truyền thông và du lịch.

Bên cạnh đó, Pháp còn có nền nông nghiệp đứng đầu châu Âu về sản xuất và xuất khẩu nông sản. Tuy chỉ có 6% lao động làm việc trong lĩnh vực này, hàng năm Pháp xuất siêu khoảng 6,6 tỷ USD hàng nông sản như lúa mì, rượu nho, sản phẩm thịt và sữa.

Pháp còn là địa chỉ hấp dẫn hàng đầu thế giới về thu hút vốn đầu tư sau Anh, Mỹ và Trung Quốc với hơn 66 tỷ euro (2008) vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Pháp cũng là nước đứng thứ 2 trên thế giới về đầu tư ra nước ngoài với hơn 136 tỷ euro (2008) và tập trung chủ yếu tại châu Âu.

Về mối quan hệ giữa hai nước, Việt Nam và Pháp lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ từ ngày 12/4/1973. Từ đó đến nay, Việt Nam và Pháp thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao.

Gần đây nhất, kể từ sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp Jacques Chirac đến Việt Nam năm 2004, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chuyến thăm Pháp vào năm 2007.

Việt Nam là một trong số ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức (ODA) từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP).

Việt Nam hiện đứng thứ 7 trong số các nước nhận ODA của Pháp. Pháp là nhà tài trợ lớn thứ hai cho Việt Nam, sau Nhật Bản. Đến nay, Pháp đã cấp cho Việt Nam tổng số vốn trên 2 tỷ euro cho các dự án.

Về trao đổi thương mại, Pháp là bạn hàng châu Âu thứ 3 của Việt Nam. Trao đổi thương mại hai chiều năm 2007 đạt trên 2 tỷ USD, năm 2008 đạt gần 1,8 tỷ USD, trong đó tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang nước này đạt xấp xỉ 786 triệu USD, chủ yếu các mặt hàng giày dép, dệt may, hàng hải sản, sản phẩm đá quý...

Về đầu tư, Pháp đứng đầu các nước châu Âu và đứng thứ 13 trong tổng số 88 nước và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam; với tổng số vốn cam kết khoảng hơn 3 tỷ USD cho 216 dự án.

Giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực Pháp ưu tiên thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Hàng năm, Chính phủ Pháp dành 80 suất học bổng cho sinh viên sang Pháp học tập, nhằm giúp Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Pháp tăng khoảng 40% trong vòng 10 năm, hiện có khoảng 5.000 sinh viên Việt Nam tại Pháp. Pháp khẳng định sẽ hợp tác và hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch đào tạo 10.000 tiến sỹ từ nay đến năm 2010.

Việt Nam cũng là nước ưu tiên hàng đầu trong việc hợp tác khoa học và công nghệ của Pháp. Trong đó, hợp tác ở lĩnh vực ứng dụng hạt nhân ngày càng được tăng cường trong khuôn khổ Thỏa thuận giữa Viện năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pháp; đào tạo cán bộ về công nghệ hạt nhân...

Tháp tùng Thủ tướng Pháp tới Việt Nam có đại diện 40 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Pháp trong các lĩnh vực năng lượng, hàng không vũ trụ, giao thông...

Diễn đàn doanh nghiệp giữa hai nước cũng sẽ được tổ chức tại Hà Nội nhằm xúc tiến các cơ hội giao thương trực tiếp. Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Pháp, hai bên dự kiến sẽ ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực hai bên quan tâm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục