Thổ Nhĩ Kỳ triệu đại sứ tại Washington về nước

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ căng thẳng sau khi Mỹ quy kết các vụ sát hại người Armenia dưới thời đế quốc Ottoman là "diệt chủng."
Ngày 4/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi Đại sứ của nước này ở Mỹ về nước.

Quyết định trên được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra sau khi Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết không ràng buộc, quy kết các vụ sát hại người Armenia trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất dưới thời đế quốc Ottoman là "diệt chủng."

Trước đó, với 23 phiếu thuận và 22 phiếu chống, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết mang tính hình thức trên, mở đường cho khả năng nghị quyết này được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện bất chấp phản ứng gay gắt của Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Nghị quyết yêu cầu Tổng thống Obama đảm bảo rằng chính sách đối ngoại của Mỹ phản ánh cách hiểu này trong tuyên bố hàng năm của ông về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong thông cáo ra cùng ngày, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lên án nghị quyết của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, theo đó qui kết dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ là tội phạm.

Chính quyền Ancara cảnh báo động thái trên sẽ gây hậu quả nghiêm trọng tới mối quan hệ song phương, phá hoại tiến trình hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia.

Kết quả bỏ phiếu trên cho thấy các nghị sĩ Mỹ "không có tầm nhìn chiến lược" vào thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, các đồng minh lâu nay trong NATO, "đang hợp tác trong một chương trình chung rộng lớn."

Đặc biệt Ancara có vai trò quan trọng trong chiến lược của Tổng thống Mỹ Obama nhằm đoàn kết Afganistan và Pakistan trong cuộc chiến chống al Qaeda và Taliban tại khu vực biên giới chung giữa hai nước.

Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò trung gian trong việc tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao giữa hai nước này.

Ancara cũng nhắc lại quan điểm rằng các vụ sát hại người Armenia trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ I của đế quốc Ottoman, tiền thân của nước Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ nên để các nhà sử học nghiên cứu dựa trên những tài liệu và lưu trữ lịch sử chứ không phải công việc của các chính trị gia.

Năm 2007, Ancara đã triệu hồi đại sứ tại Washington về nước sau khi Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua một văn bản tương tự.

Đại diện ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trở lại Mỹ khi cựu Tổng thống George W. Bush có biện pháp ngăn chặn việc đưa nghị quyết này ra thông qua tại Hạ viện.

Cho tới nay, vụ thảm sát kể trên vẫn tiếp tục là chủ đề tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia.

Phía Armenia cho rằng đã có hơn 1,5 triệu người Armenia chết vì bị thảm sát hay bị lưu đày trong giai đoạn 1915-1917 và khẳng định đây là tội ác diệt chủng.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối từ "diệt chủng" vì họ cho rằng chỉ có 300.000 đến 500.000 người Armenia bị giết hại, trong khi nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ cũng bỏ mạng do cuộc xung đột và những rối loạn chính trị trước khi đế chế Ottoman sụp đổ và nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại ra đời năm 1923./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục