Kinh tế thế giới vẫn sẽ ảm đạm trong hai năm tới

Trong báo cáo "Tình hình kinh tế thế giới và triển vọng năm 2011" công bố ngày 1/12, Liên hợp quốc cảnh báo kể từ giữa năm nay, đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu chững lại và có nhiều dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng trong hai năm tới sẽ yếu đi. Báo cáo cũng lưu ý tỷ lệ thất nghiệp cao, các chính sách thắt chặt tài chính và nguy cơ chiến tranh tiền tệ là những yếu tố đe dọa quá trình phục hồi sau khủng hoảng của các nước.
Trong báo cáo "Tình hình kinh tế thế giới và triển vọng năm 2011" (WESP 2011) công bố ngày 1/12, Liên hợp quốc cảnh báo kể từ giữa năm nay, đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu chững lại và có nhiều dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng trong hai năm tới sẽ yếu đi.

Báo cáo cũng lưu ý tỷ lệ thất nghiệp cao, các chính sách thắt chặt tài chính và nguy cơ chiến tranh tiền tệ là những yếu tố đe dọa quá trình phục hồi sau khủng hoảng của các nước.

WESP 2011 cho rằng việc làm không tăng trưởng là điểm yếu nhất trong sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Từ năm 2007 đến cuối 2009, do tác động của suy thoái kinh tế, thế giới đã mất ít nhất 30 triệu việc làm. Trong bối cảnh ngày càng nhiều nước buộc phải thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng," triển vọng phục hồi của thị trường việc làm càng trở nên ảm đạm hơn và phải mất ít nhất 5 năm nữa thế giới mới có thể tạo thêm được 22 triệu việc làm mới.

Liên hợp quốc cảnh báo các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kép.

Liên hợp quốc cảnh báo con đường phục hồi kinh tế phía trước của thế giới còn hết sức chông gai. WESP 2011 dự đoán năm nay, nền kinh tế thế giới sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 3,6%, song sẽ lần lượt giảm xuống còn 3,1% và 3,5% trong hai năm tiếp theo.

Dự kiến trong năm 2011, tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ chỉ đạt 2,2%, giảm so với tốc độ 2,6% dự kiến cho năm nay, trước khi tăng lên mức 2,8% vào năm 2012. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này có thể sẽ lên mức 10% vào năm tới.

Theo WESP 2011, các cường quốc kinh tế mới nổi là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil tiếp tục là đầu tàu thúc đẩy đà tăng trưởng của thế giới.

Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc năm tới dự kiến đạt 8,9%, giảm so với mức tăng trưởng 10,1% trong năm nay. Song, sẽ tăng trở lại và đạt mức mục tiêu 9,0% trong năm 2012.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ trong các năm từ 2010-2012 lần lượt là 8,4%, 7,1% và 7,3%. Brazil, một trong những nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 7,6% trong năm nay trước khi giảm xuống lần lượt còn 4,5% và 5,2% trong hai năm tiếp theo.

Báo cáo của Liên hợp quốc dự báo các nước đang phát triển tại châu Á sẽ tạo nên một khu vực tăng trưởng cao nhất thế giới - khoảng 7% trong hai năm tới. Mức tăng trưởng năm tới ở Mỹ Latin là 4%, Trung Đông và Tây Á là khoảng 4,7%, trong khi châu Phi nhỉnh hơn một chút (5%).

Trong khi đó, Nhật Bản sẽ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn 2,7% trong năm 2010. Tình hình hai năm sau tại nền kinh tế này khá ảm đạm khi chỉ đạt các mức tăng trưởng 1,1% và 1,4%. Triển vọng kinh tế tại 16 nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng không khả quan khi Liên hợp quốc dự báo tốc độ tăng trưởng 1,6% trong năm nay, và con số này sẽ rơi xuống còn 1,3% vào năm tới trước khi tăng lên mức 1,9% trong năm 2012.

Bên cạnh vấn đề tạo việc làm, WESP 2011 còn cho rằng sự biến động của các thị trường tiền tệ hiện đang tạo ra những bất ổn kinh tế vĩ mô và gây nguy hiểm cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Những căng thẳng tiền tệ nổi lên một phần do chính sách tiền tệ đặc biệt mở rộng của các nước. Việc Mỹ tiếp tục nới lỏng tiền tệ khiến đồng USD chịu áp lực giảm giá và gây ra những biến động ở các thị trường tiền tệ khác trên thế giới.

Báo cáo của Liên hợp quốc cũng cho rằng việc nới lỏng tiền tệ nhằm hạ lãi suất và khuyến khích đầu tư sẽ không hiệu quả nếu hệ thống tài chính vẫn bị cản trở và do đó không chuyển được tiền vào đầu tư cho sản xuất. Thay vào đó, dòng vốn lại chảy vào các nước đang phát triển để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Điều này dẫn đến việc đồng tiền của các nước đang phát triển tăng giá, buộc chính phủ phải can thiệp vào thị trường tiền tệ cũng như đưa ra các biện pháp kiểm soát vốn.

Căng thẳng về tiền tệ và thương mại tăng lên có thể khiến các thị trường tài chính rơi vào hỗn loạn, gây tổn hại tới sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục