Nhớ Hà Nội của...Phái

Tìm gặp Hà Nội cổ xưa trong tranh Bùi Xuân Phái

Có những dáng người lặng lẽ, cô đơn, nhiều bức buồn như tiếng thở dài… mà xem lại ta bỗng thèm một Hà Nội xưa thưa bóng người qua...
Ngõ Phất Lộc xưa từng nhiều lần “đi” vào tranh Bùi Xuân Phái một cách đầy trầm mặc và hoài niệm. Cũng chính con ngõ nhỏ ấy đã chứng kiến những phút thả hồn phiêu diêu của cố danh họa, đến mức đã có lần ông bỏ quên cậu trai nhỏ Bùi Thanh Phương 5 tuổi đi lạc, để rồi giờ đây mỗi khi nhớ lại những tháng năm tuổi thơ, hậu duệ họ Bùi vẫn rưng rưng trong ký ức đẹp đẽ về người cha tài danh…

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Bùi Thanh Phương nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ Bùi Xuân Phái và Triển lãm tranh Bùi Xuân Phái sẽ khai mạc vào chiều nay (1/9) tại Viện Goeth Hà Nội.

- Một tên tuổi như Bùi Xuân Phái thì cách vẽ có gì đặc biệt không anh?

Bùi Thanh Phương: Bố tôi thường nhìn tư liệu để vẽ vì cách làm việc của ông là phác thảo vào sổ tay trước rồi về nhà mới mở ra nghiên cứu và chế lại trên toan trắng. Trong lúc vẽ, ông chế theo cả những nhịp điệu nữa nhưng bao giờ cũng bám thực tế, bám hình tượng của cuộc sống.

- Tranh thực tế nhưng khi nhìn vào đó nó giúp con người có cảm giác được giải thoát…

Bùi Thanh Phương: Ừ, như mình được trở về miền quá khứ, nơi chỉ còn trong thế giới tranh Phố Phái... Bởi, Hà Nội bây giờ còn đôi chút nhà cổ thôi chứ phố cổ đã thuộc về một thời xa lắm mất rồi. Một mái nhà cổ chẳng thể làm nên diện mạo phố cổ nên ông mà còn sống chắc cũng không thể vẽ nổi phố cổ, có chăng chỉ vẽ nhờ những hoài niệm.

- Gia đình còn lưu giữ được bao nhiêu tranh Bùi Xuân Phái, anh có thể tiết lộ?

Bùi Thanh Phương: Thực ra đấy là câu hỏi mà ngay giới sưu tập tranh cũng phải dè dặt. Và, cũng không nên tin. Tôi chỉ có thể nói gia đình thường duy trì được một phòng tranh đủ để bất cứ lúc nào có một lễ kỷ niệm về ông Phái cũng đều sẵn sàng.

- Gia đình bảo quản kho tranh Bùi Xuân Phái có cầu kỳ lắm không anh?


Bùi Thanh Phương: Thường người ta hay đặt ra những suy nghĩ hơi xa xỉ chứ bản thân tôi cũng là một họa sĩ nên hiểu chẳng gì có thể làm hỏng tranh sơn dầu được, trừ khi có những tác động của lực hay những tác động quá tệ hại nó mới hỏng.

Cho nên cách bảo quản tốt nhất những bức tranh ấy là treo lên tường, quan trọng là hàng ngày mình nhìn thấy nó. Vì gia đình tôi đã quen sống trong một không gian tranh Phái rồi.

- Đó cũng chính là không gian mang giá trị tinh thần…

Bùi Thanh Phương: Ngoài giá trị tinh thần, ngắm nhìn tranh Phái giống như được tâm tình, giống như ông đang giãi bày những nỗi niềm, đặc biệt là tâm thế buồn thương mà chỉ có người hiểu và thuộc nhịp điệu tranh của ông mới đọc được. Tranh Phái gợi mở cho con người nhiều tưởng tượng, đặc biệt là những hoài niệm.

- Anh có phải là người con hiểu và chia sẻ được với cha mình những tâm tình ấy?


Bùi Thanh Phương: Tranh phố Phái là cái cớ cho ông giãi bày những nỗi niềm với nhiều lớp lang. Nếu nhìn tranh Phái bằng con mắt nhìn của tranh trừu tượng thì sẽ thấy rất khó lý giải, giống như trong Kinh dịch vậy.

Có những dáng người lặng lẽ, cô đơn và nhiều bức buồn như một tiếng thở dài… mà giờ đây xem lại ta dễ nhớ về Hà Nội xưa, lại thèm một Hà Nội vắng bóng người như trong tranh Phái.

Sáng nay, tôi đưa mọi người xuống thăm mộ ông dưới Văn Điển, thấy đường phố con người hỗn loạn bức xúc quá, không như thời phố Phái tất cả thật lặng lẽ, thi thoảng mới có một bóng người.

- Dường như anh đang có điều gì trăn trở?

Bùi Thanh Phương: Tôi đang cố gắng làm sao để ra một cuốn sách về Bùi Xuân Phái, trong đó ghi lại những câu chuyện là kỷ niệm mà tôi góp nhặt được về ông…

Cảm ơn anh và chúc những tâm nguyện về người cha sẽ thành hiện thực
!

ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục