Người dùng toát mồ hôi vì giá gas liên tục tăng

Ngay sau lần tăng giá gây sốc ngày 1/8, giá gas tại Hà Nội lại đang tiếp tục tăng, khiến người dùng bực bội, cơ quan quản lý thì "bất ngờ".
Ngay sau lần tăng giá gây sốc tới hơn 50.000 đồng mỗi bình gas ngày 1/8/2012, giá mặt hàng này lại đang khiến người tiêu dùng Hà Nội toát mồ hôi vì liên tục tăng lên mức giá mới.
 
Khảo sát của phóng viên Vietnam+ ngày 23/8 cho thấy, trong ba tuần đầu tháng, nhiều cửa hàng gas đã cập nhật ba mức giá khác nhau, tăng so với tháng trước đến gần trăm nghìn đồng mỗi bình.
 
Tại đại lý gas Khánh Hưng, số 41 Đại Từ (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội), một bình Shell gas được chủ hàng giới thiệu thuộc loại “mềm” so với thị trường hiện ở mức 420.000 đồng, tăng 10.000 đồng so với hai ngày trước. Bình Total gas loại 12 kg cũng đã có giá 400.000 đồng, tăng khoảng 15.000 đồng so với cách đây vài hôm.

Cũng ở mức giá tương tự, cửa hàng gas Thành Công, 660 Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, một bình Total gas loại 12kg đã ở mức 400.000 đồng, một bình Petrolimex loại cùng khối lượng cũng đã lên tới 410.000 đồng.

Chị Lan, chủ cửa hàng, cho hay mức giá này so với cuối tháng trước đã vượt khoảng hơn 80.000 đồng/bình.
 
Cũng theo chị Lan, phần lớn khách hàng đều tỏ ra bất ngờ vì giá gas thay đổi khá nhanh trong thời gian qua. Đại diện cửa hàng này cho hay, sau khi tăng hơn 50.000 đồng/bình hồi đầu tháng, giá gas đã được đẩy lên thêm khoảng 20.000 đồng/bình cách đây khoảng 10 ngày. Tiếp đó, giá mặt hàng này lại vừa được điều chỉnh thêm 10.000 đồng mỗi bình cách đây ba ngày.

Thế nhưng, chủ cửa hàng nọ cũng tỏ ra “bất đắc dĩ” mới phải tăng với lý do, mức giá nhập hàng trong thời gian gần đây liên tục tăng khiến những doanh nghiệp nhỏ cũng phải điều chỉnh theo. Đây cũng là nguyên nhân ưa thích được phần lớn các đại lý thông báo tới khách hàng.

Khó chấp nhận lý do này, anh Lâm, chủ quán ăn ở Cự Lộc (Thanh Xuân, Hà Nội) bảo, mỗi tháng cửa hàng anh trung bình dùng hết một bình gas loại 45kg. Hồi đầu tháng giá gas tăng sốc, vợ chồng anh đã đứng ngồi không yên để tính toán duy trì giá từng món ăn sao cho hợp lý. Ai ngờ, hôm kia cửa hàng đổi gas, giá đại lý báo đã đã là 1.580.000 đồng/ bình, cao hơn gần trăm nghìn đồng so với trước đó.

“Đại lý bảo do giá hàng nhập tăng nhưng lần nào họ chả nói vậy. Việc minh bạch giá cả thế nào mình hoàn toàn mù tịt. Giá các loại mặt hàng khác đã theo giá xăng mà tăng rồi, bây giờ lại thêm giá gas nữa,” anh Lâm bực bội.

Không chỉ khiến người tiêu dùng hốt hoảng, thông tin giá gas tăng liên tục cũng khiến cơ quan quản lý giá bất ngờ.

Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định, cơ quan chức năng mới nhận được đăng ký tăng giá một lần duy nhất vào ngày 1/8 với mức tăng hơn 50.000 đồng mỗi bình gas 12kg. Phía Cục quản lý giá chưa có thông tin gì về việc tăng giá thêm trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, ông Thỏa cũng khẳng định, sẽ tiến hành kiểm tra lại giá cả mặt hàng gas ngay.

Bàn về vấn đề này, tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, ngoài lý do giá thế giới biến động, việc giá gas cao trong thời gian qua là do hệ thống phân phối bộc lộ nhiều tiêu cực. Gas được nhập về qua các đầu mối, rồi hệ thống các cửa hàng, đại lý... Qua một khâu phân phối trung gian khác nhau thì giá bán lại khác nhau. Việc đẩy giá gas qua nhiều tầng nấc như thế đã khiến giá thực tới tay người tiêu dùng tăng lên đáng kể.

Chính vì thế, các doanh nghiệp đầu mối và đại lý ấn định giá nào thì người dân biết giá đó. Vì lý do “bí mật kinh doanh,” khung bảng tính giá gas cũng chưa bao giờ được công khai để người tiêu dùng nắm được chi phí, giá thành thực tế của doanh nghiệp và mức hoa hồng cho đại lý hay lợi nhuận doanh nghiệp được hưởng.

Đề cập tới vấn đề kiểm soát của cơ quan chức năng, ông Long khẳng định, việc hậu kiểm chỉ có thể quản lý phần nào. Điều quan trọng là việc xử phạt ra sao vẫn chưa rõ ràng và tạo được sự răn đe nên giá gas vẫn "nhởn nhơ"./.

Dũng-Tâm(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục