Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về 2 dự án Luật

Sáng 19/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và Luật an toàn thực phẩm.
Sáng 19/1, phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào hai dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật An toàn thực phẩm.

Nhiều quy định chung chung, mang tính khẩu hiệu

Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội tán thành với phương án mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng bổ sung một số điều quy định về trách nhiệm của Nhà nước về xây dựng chính sách, biện pháp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; sử dụng hợp lý, hài hòa các nguồn năng lượng không tái tạo và năng lượng tái tạo.

Dự án luật bổ sung quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn, dịch vụ; khuyến khích hoạt động điều tra cơ bản về tiềm năng năng lượng tái tạo; đầu tư cho hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ nhằm tăng dần tỷ lệ năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Một số ý kiến khác cho rằng nếu chỉ tập trung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ở giai đoạn sử dụng năng lượng mà chưa tính đến các biện pháp tiết kiệm nguồn năng lượng không tái tạo như than, dầu và khí thiên nhiên; chưa đề ra nhiệm vụ và giải pháp đảm bảo cung cấp năng lượng một cách an toàn, chất lượng cho hoạt động kinh tế-xã hội là thiếu toàn diện, giảm tính khả thi của luật.

Đại biểu Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật nhưng nhận xét nếu muốn luật đi vào cuộc sống, có tính khả thi thì Ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu để có những quy định cụ thể hơn, tránh chung chung như trong dự thảo hiện nay.

Đại biểu cho rằng bổ sung thêm hai chương mới là Bảo đảm an ninh năng lượng; Phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, chưa thể hiện được tính cụ thể, rất khó đi vào cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, băn khoăn về những quy định chung chung của dự thảo luật, về mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự luật, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ những vấn đề đặt ra.

Điều 4, Điều 5 của dự án luật có những quy định không phân định rõ đâu là nguyên tắc sử dụng năng lượng, đâu là chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại biểu Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Thuận và một số đại biểu khác đề nghị không đưa chương trình này vào dự án luật.

Đại biểu Đào Trọng Thi nêu ý kiến, chương trình mục tiêu là có thời hạn, không nên đưa vào Luật. Đại biểu Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện đề nghị cần phải nghiên cứu làm rõ vấn đề tiết kiệm năng lượng có phải là chương trình mục tiêu không, hay đây là vấn đề tất yếu gắn với cuộc sống.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm

Thảo luận về phân công trách nhiệm của các bộ trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, đại biểu Trần Thế Vượng và một số ý kiến nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường.

Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cho rằng an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân nên việc quy định Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm là phù hợp.

Vấn đề phân định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế và các bộ quản lý chuyên ngành, đại biểu Trần Thế Vượng nhất trí với phương án 1 quy định mang tính nguyên tắc về trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm với một số nhóm sản phẩm thực phẩm mà các bộ đã có kinh nghiệm và thực tiễn quản lý.

Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với các bộ hữu quan trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; chủ trì trong công tác phòng, chống thực phẩm giả, gian dối thương mại trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Các vấn đề còn có sự giao thoa, chồng lấn trách nhiệm giữa các bộ thì giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Về vấn đề thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, đại biểu Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tán thành với quan điểm phải có thanh tra chuyên ngành, theo 3 cấp Trung ương, tỉnh và huyện.

Đại biểu đề nghị luật không nên quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của thanh tra mà để Chính phủ quy định cụ thể./.

Quỳnh Hoa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục