Cuộc hội ngộ khó quên sau 40 năm trên nước Đức

Một cuộc gặp gỡ cảm động giữa những cựu sinh viên Việt Nam sang CHDC Đức học tập cách đây đúng 40 năm đã diễn ra tối 7/8, tại Đức.
Tối 7/8, tại Joachimsthal ven hồ Werbellin, cách thủ đô Berlin khoảng 60km về phía bắc đã diễn ra một cuộc gặp gỡ cảm động giữa những cựu sinh viên Việt Nam sang Cộng hòa Dân chủ Đức cách đây đúng 40 năm, niên khóa 1970-1971, để học tập.

Gần 100 người đã tham dự cuộc gặp gỡ này, trong đó có 38 người đã cất công từ Việt Nam sang Đức với 17 cựu lưu học sinh, còn lại là thân nhân trong gia đình và những người đồng niên đang sinh sống tại Đức cùng với gia đình họ.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, ông Phạm Văn Toàn, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức phụ trách lưu học sinh đã đánh giá cao sự kiện này và bày tỏ lòng biết ơn nước Đức đã giúp đỡ đào tạo nhiều thế hệ cán bộ Việt Nam và nhiều người trong đó giờ đây đã có những vị trí cao, có nhiều đóng góp xây dựng Việt Nam và vun đắp cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt-Đức.

Nhiều đại biểu và những người tham dự cuộc gặp gỡ đã phát biểu ý kiến, kể về cuộc sống của mình hiện nay và bày tỏ sự xúc động về cuộc hội ngộ sau nhiều năm xa cách, ôn lại những kỷ niệm vui, buồn khó quên của thời sinh viên.

Những sinh viên năm nào, phần lớn vừa rời khỏi ghế nhà trường, chân ướt, chân ráo tới nước Đức, ngơ ngác trước những công trình đồ sộ, hùng vĩ của nước bạn. Có người còn phải vượt qua bom đạn Mỹ rải xuống miền Trung để ra Hà Nội lên tàu liên vận, ròng rã hơn 10 ngày trời mới tới Berlin, khi xuống tàu rồi mà mấy ngày sau còn cảm giác lảo đảo như đang trên tàu, lại chưa quen ngay được với phong cảnh quá thanh bình của nước bạn.

Những thanh niên mới mười tám, đôi mươi năm nào, giờ đây tóc đã muối tiêu, có người đã lên ông, lên bà, nhưng gặp lại nhau thì tay bắt mặt mừng, nói, cười ríu rít, xốn xang trong lòng, ai cũng như trẻ lại, nhiều người đã gần 60 tuổi rồi mà gặp lại bạn thời trai trẻ vẫn quen miệng xưng hô "mày, tao" với nhau như thuở nào.

Có những người bạn khác giới, gặp lại nhau mà lòng thoáng bâng khuâng về những tình cảm ngày xưa không dám nói ra lời. Những người bạn ngày xưa, có thể cùng sang Đức trên một chuyến tàu, ở cùng ký túc xá, cùng học tiếng Đức với nhau tại trường Đại học Ngoại ngữ ở Thanh Xuân và Học viện Herder ở Leipzig... nhưng sau đó, mỗi người một ngả.

Nhiều người giờ đây đã thành đạt, giữ những trọng trách trong chính quyền và xã hội, hoặc thành đạt trong công việc kinh doanh, có cuộc sống sung túc, khá giả, cũng có những người phải vất vả để kiếm sống, nhưng gặp lại nhau, mọi người vẫn hòa đồng như bè bạn năm nào.

Anh Nguyễn Đức Phụng, Trưởng ban tổ chức cho biết, ý định tổ chức cuộc gặp gỡ với quy mô lớn như thế này đã được đưa ra cách đây 5 năm, khi những bạn đồng niên đang sinh sống tại Đức tổ chức cuộc gặp gỡ kỷ niệm 35 năm ngày sang Đức du học và những công việc cụ thể đã được tiến hành cách đây một năm.

Với sự phối hợp nhịp nhàng, nhiệt tình của Ban tổ chức tại Berlin, đầu mối liên lạc tại miền Bắc (anh Nguyễn Hữu Viện) và đầu mối liên lạc tại miền Nam (anh Nguyễn Cảnh Nam), mọi công việc tổ chức đã diễn ra trôi chảy, thuận lợi.

Thông thường, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội rất chặt chẽ trong việc cấp visa, nhưng khi nghe được kế hoạch tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày sang Đức du học, Đại sứ Rolf Schulze đã rất nhiệt tình, chỉ thị cho cán bộ lãnh sự cấp ngay visa cho những người tham gia chuyến đi và thậm chí miễn thu lệ phí (thông thường 60 euro/người).

Sau cuộc gặp gỡ, những người từ Việt Nam sang được tổ chức đi tham quan một số nơi trên nước Đức - quê hương thứ hai của mình - và một số nước châu Âu lân cận./.

Văn Long (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục