Khai khoáng trái phép ở Lạng Sơn gây ra ô nhiễm

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn ra phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh thái môi trường.
Thời gian gần đây tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn ra phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh thái môi trường và an ninh trật tự địa phương.

Nhiều hộ dân có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng ô nhiễm, xói lở đất canh tác do tình trạng khai thác trái phép gây ra đã rất bức xúc.

Theo Phòng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tỉnh Lạng Sơn, có thời điểm chỉ trong một tuần các lực lượng chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra và xử lý 32 chủ tầu, xuồng khai thác khoáng sản trái phép trên sông Kỳ Cùng đồng thời Phát hiện và ngăn chặn năm nhóm đối tượng khai thác vàng sa khoáng trái phép tại các xã Xuân Dương, Hữu Lân (huyện Lộc Bình); xã Đề Thám, xã Đội Cấn (huyện Tràng Định).

Lực lượng chức năng cũng đã lập hồ sơ vi phạm trình Ủy ban nhân dân tỉnh và phối hợp với công an các huyện tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định xử phạt hành chính.

Với trang thiết bị khá hiện đại trong một giờ mỗi nhóm khai thác bằng cả trăm công lao động mỗi ngày với một số lượng vàng sa khoáng lớn, gây thất thoát tài nguyên quý hiếm của Nhà nước. Trước cái lợi trước mắt, các chủ xuồng sẵn sàng bỏ ra cả tỷ đồng để đầu tư phương tiện, thuê người làm công để khai thác vàng trái phép; do vậy việc đào bới các lòng sông, lòng suối để lấy vàng vẫn diễn biến phức tạp.

Theo kết quả điều tra của các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng gần 100 chiếc xuồng hoạt động dọc sông Kỳ Cùng qua cầu Bản Trại, xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định, lòng sông khô cạn, ngổn ngang cồn cát, đá sỏi do các xuồng khai thác khoáng sản trái phép tạo ra... nơi nào có xuồng khai thác hoạt động thì khúc sông nơi đó biến dạng, dòng chảy thay đổi, gây xói lở bờ sông.

Nhằm tận thu khoáng sản, nhiều nơi trên dòng sông Kỳ Cùng, người ta còn khai thác cát, sỏi theo cách “thổ phỉ” như xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình khiến sạt lở hai bên bờ sông, đất canh tác ngày càng bị thu hẹp; nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh hoạt; mỗi ngày có ngày hàng trăm xe chở cát chạy cày xới mặt đường; ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của nhiều hộ dân trong vùng.

Ngoài dòng sông Kỳ Cùng thì những con suối nhỏ tại địa bàn một số huyện cũng đang bị triệt để khai thác trong một thời gian dài, gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc lập dự án thăm dò khoáng sản để khai thác trái phép, tác động xấu đến môi trường và phát sinh nhiều vấn đề vấn đề phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh./.

Thái Thuần (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục