Xây dựng dự án Luật phòng, chống tác hại thuốc lá

Ngày 6/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức Hội thảo về dự án Luật phòng, chống tác hại thuốc lá.
Ngày 6/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế phối hợp tổ chức Hội thảo về dự án Luật phòng, chống tác hại thuốc lá.

Vụ trưởng Vụ pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Phạm Tuấn Khải cho biết hiện nay có khoảng 75 văn bản pháp luật liên quan đến nội dung của dự án luật được xây dựng theo hai nhóm chính là nhóm văn bản về phòng chống tác hại thuốc lá và nhóm văn bản về quản lý sản xuất, kinh doanh thuốc lá.

Văn bản có hiệu lực cao nhất điều chỉnh toàn diện vấn đề này là Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP ngày 14/8/200 của Chính phủ về “Chính sách quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2001-2010 và Nghị định số 119/2007/NĐ-CP ngày 18/7/2007 của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh thuốc lá.

Bên cạnh đó, ngày 11/11/2004, Việt Nam đã tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, có hiệu lưc áp dụng tại Việt Nam từ ngày 17/3/2005. Các văn bản pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá được ban hành từ những năm 1990-2001 đến nay phần nhiều đã lạc hậu, không còn theo kịp các yêu cầu mới phát sinh trong phòng, chống tác hại và quản lý kinh doanh thuốc lá cũng như xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Hiệu lực pháp lý của các văn bản về phòng chống tác hại thuốc lá còn thấp mới chỉ dừng lại ở thẩm quyền của Chính phủ và các bộ ngành. Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật về phòng, chống tác hại thuốc lá trong điều kiện hiện nay là cần thiết. Dự án Luật có 5 chương và 31 điều.

Đóng góp ý kiến xây dựng dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho rằng trong nội dung của dự án Luật có hai mảng nội dung lớn đó là các biện pháp tuyên truyền, y tế cộng đồng, giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và mảng nội dung về kiểm soát sản xuất, kinh doanh thuốc lá trong nước.

Vì vậy đề nghị cân nhắc đổi tên của Luật thành “Luật Kiểm soát và Phòng chống tác hại thuốc lá” để phù hợp với nội dung, điều kiện hiện tại của Việt Nam và với thông lệ chung của các nước trên thế giới.

Về việc in cảnh báo sức khỏe trên bao thuốc lá, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải đề nghị Luật chỉ nên quy định diện tích ghi lời cảnh báo chiếm không dưới 30% sau đó giao cho Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội và công tác phòng chống thuốc lá lậu để quy định lộ trình tăng dần diện tích in cảnh báo sức khỏe cho phù hợp.

Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khuyến cáo diện tích cảnh báo sức khỏe hình ảnh nên thực hiện là 50% diện tích. Có ý kiến cho rằng việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên bao bì thuốc lá trong nước cần phải được xem xét toàn diện, chỉ nên khuyến khích áp dụng và chỉ bắt buộc áp dụng khi kiểm soát được tình hình nhập lậu thuốc lá, buôn bán thuốc lá bất hợp pháp trên thị trường…

Nhiều ý kiến thảo luận tán thành việc xây dựng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá những vẫn còn băn khoăn về vấn đề quản lý và sử dụng nguồn quỹ này như thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý nguồn quỹ. Để quản lý tốt hơn nguồn quỹ này đề nghị nghiên cứu trích quỹ từ thuế tiêu thụ đặc biệt, việc trích từ thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giúp cho công tác thu từ quỹ triệt để hơn và việc quản lý sử dụng quỹ chặt chẽ hơn.

Có ý kiến đề nghị chỉ nên quy định mức trích quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng với tỷ lệ không quá 1% trên giá bán chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, sau đó giao cho Thủ tướng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện của doanh nghiệp quy định tỷ lệ này.

Ý kiến của các đại biểu đóng góp tại Hội thảo sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu để có sự điều chỉnh phù hợp trước khi trình Chính phủ xem xét./.

Quỳnh Hoa (TTXVn/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục