Hiến pháp: Thể hiện rõ hơn tính đại chúng, minh bạch

Các đại biểu Nam Định nhất trí với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, cho rằng nội dung sửa đổi thể hiện rõ  tính đại chúng, minh bạch.
Ngày 11/3, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Về cơ bản, các đại biểu nhất trí cao với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cho rằng nội dung sửa đổi lần này đã thể hiện rõ hơn tính đại chúng và minh bạch; đảm bảo vừa cô đọng, dễ hiểu, vừa cơ bản đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới của đất nước.

Sau khi tập hợp các ý kiến từ các đầu mối trên địa bàn toàn tỉnh, các đại biểu đã chia thành 5 tổ thảo luận, góp hơn 340 ý kiến cụ thể tại hội nghị. Qua thảo luận, có rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp cụ thể vào các Chương, Điều, đề xuất những nội dung cụ thể, cần thiết sửa đổi hoặc bổ sung mới.

Điều 21 (mới): “Mọi người có quyền sống” thu hút nhiều ý kiến tham gia đóng góp. Theo đại biểu Trần Lương Bằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định: nên thêm vào điều này cụm từ “quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

Ông Nguyễn Văn Đồng, đại biểu huyện Trực Ninh góp ý: nên gộp Điều 21 và Điều 42, bổ sung ý thành một điều mới: “Mọi người có quyền sống, quyền tự do, quyền lao động, học tập, mưu cầu hạnh phúc và xây dựng bảo vệ đất nước.”

Nhiều đại biểu cho rằng các Điều trong Hiến pháp không cần ghi quá cụ thể những nội dung mà các luật đã qui định chi tiết, điển hình như tại Điều 58, các ý kiến đều cho rằng Luật Đất đai đã quy định đầy đủ, vì vậy nên rút gọn hơn nữa; tương tự với các Điều thuộc Chương VIII “Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân” và một số điều thuộc Chương X về Kiểm toán Nhà nước.

Theo ý kiến của đại biểu Triệu Công Điền, đại diện Liên đoàn lao động tỉnh Nam Định, tại Điều 3: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân…” nên thay cụm từ “phát huy quyền làm chủ của nhân dân” bằng cụm “phát huy quyền dân chủ,” súc tích và bao hàm hơn.

Kết luận hội nghị, ông Phạm Hồng Hà, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định đánh giá: Hầu hết ý kiến của các đại biểu đều cơ bản thống nhất với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nội dung Dự thảo sửa đổi lần này đã thể hiện đúng đường lối lãnh đạo của Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội; sửa đổi kịp thời và đúng với thực tiễn, phù hợp với ý kiến, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Tất cả ý kiến đóng góp của các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được tập hợp, phản ánh đầy đủ, chính xác và khách quan gửi về Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân của tỉnh và Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo quy định./.

Hiền Hạnh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục