Chứng khoán châu Á phục hồi từ sự lạc quan ở EU

Chứng khoán châu Á đi lên trong phiên giao dịch ngày 7/12, trước sự lạc quan về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU).
Chứng khoán châu Á đi lên trong phiên giao dịch ngày 7/12, trước hy vọng Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng sẽ đưa ra một kế hoạch có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro (Eurozone).

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 1%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 147,01 điểm, hay 1,71%, lên 8.722,17 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 298,35 điểm, hay 1,58%, lên 19.240,58 điểm. Chỉ số weighted của Đài Loan tăng 76,72 điểm, hay 1,1%, lên 7.033 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 16,6 điểm, hay 0,87%, lên 1.919,42 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Australia tăng 30,5 điểm, hay 0,72%, lên 4.292,5 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 6,82 điểm, hay 0,29%, lên 2.332,73 điểm.

Các nhà đầu tư đang nín thở chờ đợi hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 8-9 nói trên với một sự lạc quan sau khi Pháp và Đức ngày 5/12 đã đạt thỏa thuận về sự hội nhập sâu hơn trong khu vực, điều mà nhiều người cho là một giải pháp tối ưu.

Hiệp ước châu Âu mới như đề xuất của hai nước này sẽ bao gồm các biện pháp trừng phạt tự động áp dụng đối với các quốc gia không đáp ứng được quy định về thâm hụt ngân sách cũng như quy định cân bằng ngân sách trong toàn Eurozone. Cùng với sự lạc quan đó, các báo cáo cho thấy các nhà lãnh đạo châu Âu đang xem xét việc tăng cường "bức tường lửa" với hai quỹ cứu trợ lớn để bảo vệ các nền kinh tế yếu.

Chứng khoán châu Á ngày 6/12 chìm trong sắc đỏ, sau khi Standard & Poor's đe dọa sẽ đánh tụt xếp hạng tín dụng của 15 trong số 17 nước thành viên Eurozone, thậm chí kể cả Đức, nước đang có mức xếp hạng vàng AAA và một nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Cũng trong cùng ngày, cơ quan này cảnh báo sẽ hạ mức xếp hạng AAA của EFSF. Tuy nhiên, chính những cảnh báo này lại làm dấy lên hy vọng đó sẽ là sức ép buộc các nhà lãnh đạo châu Âu phải đưa ra được một kế hoạch thuyết phục nhằm giải quyết khủng hoảng nợ.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nói việc tăng cường giám sát ngân sách như đề xuất của Pháp và Đức có thể nhanh chóng đạt được sự nhất trí chỉ với những thay đổi nhỏ đối với các hiệp ước của châu Âu. Phát biểu này cho thấy có thể giải pháp đó sẽ nhanh chóng được thực thi, nhằm giúp khôi phục niềm tin của thị trường./.

Lê Minh(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục