Công bố 10 sự kiện khoa học và công nghệ 2011

Bình chọn 10 sự kiện khoa học công nghệ là sự ghi nhận và tôn vinh cống hiến của các nhà khoa học với sự phát triển của đất nước.
Chiều 23/12, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ (Hội Nhà báo Việt Nam) đã công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu của ngành này trong năm 2011.

Đây chính là món quà mang ý nghĩa động viên, ghi nhận và tôn vinh những cống hiến của các nhà khoa học đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong năm qua.

Dưới đây là 10 sự kiện được bình chọn:

1. Đề án “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ”

Ngày 10/10, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ đã diễn ra buổi nghiệm thu cấp Nhà nước Đề án “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ.” Đề án do Giáo sư, Viện sĩ Phan Huy Lê làm Chủ nhiệm, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam là cơ quan chủ trì.

Được triển khai từ cuối năm 2007, đề án đã xác lập được các vấn đề có tính phương pháp luận trong tiếp cận nghiên cứu vùng đất Nam Bộ; làm rõ được quá trình lịch sử, các đặc trưng kinh tế, xã hội, văn hoá và thiết chế quản lý phục vụ các nhiệm vụ phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng ở vùng đất Nam Bộ; xây dựng cơ sở khoa học làm rõ và khẳng định cơ sở pháp lý chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở vùng đất Nam Bộ phù hợp với thông lệ quốc tế...

2. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia

Ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ 1000 tỷ đồng được cấp từ ngân sách Nhà nước về hoạt động Khoa học công nghệ.

Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.

3. Dành kinh phí lớn nhất cho dự án khoa học và công nghệ

Ngày 24/11, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân công bố Dự án thiết kế và chế tạo chíp, thẻ và đầu đọc được đầu tư 145,7 tỉ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách 124,8 tỉ đồng, phần còn lại là đóng góp của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn.

Đây là số vốn lớn nhất từ trước đến nay dành cho một dự án khoa học công nghệ. Dự án nói trên thiết kế và sản xuất chip xử lý 32 bit theo công nghệ RFID (Radio Frequency Identification – nhận dạng bằng sóng radio) và UHF thành sản phẩm hàng hoá để ứng dụng trong các lĩnh vực có liên quan đến thông tin cá nhân như chứng minh nhân dân điện tử, thẻ ra vào; kiểm soát chất lượng hàng hoá...

Chủ dự án là Trường đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian thực hiện là bốn năm.

4. Giáo sư Hoàng Tụy được tặng giải thưởng toán học “Constantin Caratheodory Prize”

Giải thưởng Constantin Caratheodory được đặt theo tên nhà toán học lừng danh người Hy Lạp (1873-1950) để vinh danh những cống hiến xuất sắc đã được thử thách qua thời gian. Các tiêu chí của giải thưởng bao gồm tính xuất sắc, độc đáo, ý nghĩa, chiều sâu và ảnh hưởng của cống hiến khoa học.

Đại hội thế giới về tối ưu hóa toàn cầu lần thứ  hai được tổ chức ở Hy Lạp từ ngày 3-7/7 đã quyết định trao tặng giải thưởng đầu tiên cho giáo sư Hoàng Tụy, người có đóng góp tiên phong cho tối ưu hóa toàn cục.

Giáo sư Hoàng Tụy sinh năm 1927, là tiến sĩ về toán học, nghiên cứu hàm thực, lý thuyết tối ưu, giải tích lồi, toán kinh tế. Ông từng là Viện trưởng Viện Toán học, giáo sư thỉnh giảng của nhiều đại học trên thế giới. Ông được coi là nhà toán học  mở đường cho một chuyên ngành toán học mới, là “cha đẻ của tối ưu toàn cục.”

Giáo sư Hoàng Tụy cũng là người gây dựng cơ sở và tổ chức ứng dụng toán học vào quản lý kinh tế ở Việt Nam, đồng thời nghiên cứu và góp sức vào chấn hưng giáo dục và các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một năm 1996, Giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2010.

5. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được khởi động trở lại bởi chính các nhà khoa học Việt Nam

Lần khởi động Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt ngày 30/10/2011 được xem là lần quan trọng thứ ba trong lịch sử. Từ thời điểm này, hoạt động của Lò phản ứng được duy trì bằng toàn bộ các bó nhiên liệu độ giàu thấp chứa hàm lượng U-235 dưới 20%.

Đây là sự kiện đánh dấu một trong những điểm mốc quan trọng trên con đường phát triển của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử đội ngũ vận hành chỉ gồm những kỹ sư Việt Nam đã khởi động thành công lò phản ứng hạt nhân. Đó là một tập thể các nhà khoa học và công nghệ mạnh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam.

6. Hội nghị bộ trưởng các nước ASEAN về khoa học và công nghệ

Từ ngày 21-26/11, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức và chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN lần thứ 14 (AMMST-14) và Hội nghị Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN lần thứ 62 (COST-62) tại Thành phố Hồ Chí Minh.

AMMST-14 và COST-62 đã thảo luận các vấn đề nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác về khoa học và công nghệ trong khu vực ASEAN, hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015 dựa trên ba trụ cột: cộng đồng chính trị - an ninh (APSC), cộng đồng kinh tế (AEC) và cộng đồng văn hóa xã hội (ACSC).

7. Giàn khoan tự nâng 90m nước

Ngày 10/9, tại Khu cảng Dầu khí Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tổ chức lễ hạ thủy giàn khoan tự nâng 90m nước.

Giàn khoan tự nâng 90m nước với trọng lượng 12 nghìn tấn, chân dài 145m, chiều sâu khoan đến 6,1 km. Giàn khoan chịu sức gió tương đương bão cấp 12, hoạt động tốt trong thời tiết khắc nghiệt. Công trình đã được cơ quan Đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đây là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia lần đầu tiên được thiết kế chi tiết và lắp dựng tại Việt Nam, đưa nước ta trở thành 1 trong 3 quốc gia ở châu Á thiết kế chi tiết và lắp dựng giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn Quốc tế.

8. Máy soi cắt lớp điện toán trong công nghiệp

Vượt qua nhiều khó khăn các nhà khoa học Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã thiết kế chế tạo thành công  máy soi cắt lớp điện toán trong công nghiệp. Đây là loại máy do các nhà khoa học trong nước viết phần mềm và chế tạo bằng 100% các thiết bị của Việt Nam.

Nguyên lý hoạt động của máy là dùng tia gamma chụp vào lõi các vật thể để xác định cấu tạo bên trong, nhằm cho ra hình ảnh kín của các hiện vật để tìm ra khuyết tật... mà không cần phải mở những thiết bị máy móc hoặc mổ xẻ các hiệnvật ra. Mỗi chiếc máy trị giá hơn 8.300 USD.

Cơ quan Nguyên tử quốc tế ( IAEA ) đã quyết định đặt mua sáu máy nói trên và chuyển tới sáu nước  Thái Lan, Philippin, Pakistan, Myanmar, Indonesia, Sri Lanka.

9. Vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông  hiện đại nhất  Đông Nam Á

Trung tâm sản xuất Điện tử Viettel đã chính thức đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông có công nghệ hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Dây chuyền  có tổng giá trị đầu tư  hơn  200 tỷ đồng.

Dây chuyền có công xuất thiết kế đạt tới 5 triệu USB 3G/năm hoặc 3 triệu máy điện thoại di động/năm. Chất lượng sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất.

Đặc biệt, dây chuyền này hoàn toàn do người Việt Nam tự xây dựng cấu hình, lựa chọn, lắp đặt, vận hành các thiết bị hiện đại nhờ tiết kiệm kính phí đầu tư.

10. Phẫu thuật nội soi cắt khối tá-tuỵ tại Bệnh viện 103

Tháng 10/2011, Các bác sĩ Khoa Ngoại Bụng (B2) (Quân y viện 103) đã phẫu thuật nội soi thành công cắt khối tá-tụy.

Đây là loại phẫu thuật khó nhất, phức tạp nhất, là kỹ thuật đỉnh cao trong các phẫu thuật ở ổ bụng. Trong quá trình phẫu thuật chỉ cần sơ suất nhỏ có thể gây tổn thương các nội tạng khác, làm rách, đứt các mạch máu lớn dẫn tới chảy máu ngập tràn ổ bụng, phải chuyển mở bụng khẩn cấp hoặc đe dọa tử vong ngay trên bàn mổ.

Thành công của ca phẫu thuật đã mở ra một hướng nghiên cứu mới rất khả quan, mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi của phương pháp trên kể cả đối với những trường hợp bệnh lý phức tạp./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục