Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông Võ Văn Tần

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bí thư quận ủy Đức Hòa Võ Văn Tần tại tỉnh Long An.
Ngày 21/8, tại thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An tổ chức kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông Võ Văn Tần (8/1891-8/2011).

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự Lễ kỷ niệm.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Mai Văn Chính đã ôn lại cuộc đời hoạt động của ông Võ Văn Tần. Ông Võ Văn Tần quê ở làng Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống yêu nước, ông sớm đến với cách mạng, tham gia tổ chức Hội kín Nguyễn An Ninh, sau đó chuyển sang tổ chức Đảng Cộng sản, rồi trở thành Bí thư chi bộ làng Đức Hòa, ngày 06/3/1930 - chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh Chợ Lớn, đến tháng 5/1930 là Bí thư quận ủy Đức Hòa. Sau cuộc biểu tình ngày 4/6/1930 tại Đức Hòa, ông bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt vì cho rằng là người trực tiếp tổ chức cuộc đấu tranh này.

Thời kỳ 1931-1935, trong vai trò là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Chợ Lớn (1931), Bí thư Tỉnh ủy Gia Định (1932), cán bộ Xứ ủy (1933), cấp ủy Đặc ủy Vàm Cỏ Đông (1934), ông Võ Văn Tần khi là một thầy thuốc với bộ bà ba đen, gói cao đơn hoàn tán, lúc là một tổng lý với khăn đóng áo dài, hay là một ông “Già Trầu”…, đã liên tục đi về Chợ Lớn-Gia Định để liên lạc, gây dựng, đóng góp lớn vào việc duy trì phong trào cách mạng ở các tỉnh.

Sau khi khôi phục lại Xứ ủy và trở thành Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ (1937), ông đã mở rộng tầm hoạt động đến các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ, đã có những chỉ đạo quan trọng trong việc xây dựng tổ chức, góp phần đưa cao trào Dân chủ ở tỉnh Gia Định, khu Sài Gòn-Chợ Lớn và Nam Bộ nói chung phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt, tại các Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4 (1937), lần thứ 5 (1938) và đặc biệt là lần thứ 6 trong 3 ngày liên tiếp từ 6-8/11/1939 ở Bà Điểm, Hóc Môn, ông đã có những đóng góp quan trọng, mang tính chất tiền đề để phong trào cách mạng ở Nam Bộ từ cao trào Dân chủ tiến lên võ trang khởi nghĩa giành chính quyền về sau này.

Ông bị thực dân Pháp bắt vào ngày 21/4/1940 và bị xử bắn tại Hóc Môn vào ngày 28/8/1941. Thời gian trong lao tù của địch, Võ Văn Tần càng tỏ rõ khí phách kiên cường của người chiến sỹ Cộng sản.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: "Trách nhiệm của chúng ta hôm nay là làm sao khơi dậy và phát huy truyền thống ấy để tinh thần cách mạng của ông Võ Văn Tần nói riêng, các thế hệ chiến sỹ Cộng sản nói chung trở thành nền tảng và động lực cho chúng ta; nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập và noi theo, nhằm vươn tới tương lai, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước."

Chủ tịch nước đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Long An và huyện Đức Hòa đoàn kết thống nhất, chung sức chung lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, thi đua lao động sáng tạo, quyết tâm thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Ngày nay tên của người chiến sỹ cộng sản Võ Văn Tần được đặt cho nhiều con đường tại Thành phố Hồ Chí Minh và địa phương khác trong cả nước. Trên quê hương Long An, tên ông được đặt cho một con đường tại trung tâm Phường 2, thành phố Tân An.

Tại huyện Đức Hòa, nơi ông lãnh đạo cuộc đấu tranh ngày 4/6/1930, có công viên văn hóa-lịch sử và một ngôi trường vinh dự mang tên ông. Chiến tranh đã lùi xa, ngày ông hy sinh đã gần 3/4 thế kỷ, nhưng tên tuổi và cuộc đời hoạt động của nhà cách mạng Võ Văn Tần vẫn sống mãi với bao thế hệ người dân Long An. /.

Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục