Hy Lạp muốn kéo dài thực hiện điều khoản cứu trợ

Thủ tướng Hy Lạp đã đề nghị các đối tác kéo dài thêm 2 năm thời gian thực thi chương trình cứu trợ, nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế.
Trong khuôn khổ cuộc đàm phán với nhóm "bộ ba" chủ nợ quốc tế (gồm Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu), Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras đã đề nghị các đối tác kéo dài thêm hai năm thời gian thực thi chương trình cứu trợ, nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế đã đẩy nước này rơi vào suy thoái suốt năm năm qua.

Đổi lại Athens cam kết sẽ đáp ứng tất cả các chỉ tiêu ngân sách theo yêu cầu của các định chế tài chính trên.

Trong bài diễn văn trình bày trước quốc hội đề cập đến những mục tiêu của chính phủ trong bốn năm tới, Thủ tướng Samaras khẳng định sẽ đáp ứng các mục tiêu do nhóm chủ nợ đưa ra, song cho biết Athens cần thêm thời gian và muốn đàm phán lại một số chính sách có thể cản trở sự phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ông đã đưa ra những ưu tiên của chính phủ, theo đó khẳng định không thay đổi những cam kết nhằm đổi lấy hai gói cứu trợ trị giá hơn 200 tỷ euro từ các định chế tài chính trên.

Tuy nhiên, Thủ tướng Samaras cho rằng mục tiêu của Athens là thay đổi những chính sách mà đang cản trở Hy Lạp đạt được những mục tiêu đề ra. Ông nói: "Đàm phán lại không có nghĩa là thay đổi các mục tiêu, mà là bãi bỏ những rào cản nhằm đạt được những mục tiêu này," nhấn mạnh bất kỳ sự thay đổi nào trong chương trình thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế đều phải thông qua đối thoại chứ không đơn phương thực hiện.

[Eurozone có thể nới lỏng điều kiện cứu trợ Hy Lạp]


Chính phủ liên minh được thành lập sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 17/6 đã đưa ra chương trình nghị sự gồm nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, từ việc tăng tốc tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp, cải cách thuế, chống tệ quan liêu nhằm tạo môi trường đầu tư thân thiện đến việc duy trì vị trí của Athens trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Thay vì việc sa thải ồ ạt nhân viên trong khu vực nhà nước, Thủ tướng Samaras đề xuất bãi bỏ một số cơ quan công quyền nhằm tiết kiệm chi phí cũng như cắt giảm thâm hụt ngân sách và giảm dần số việc làm dân sự, nhằm tránh để tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao kỷ lục. Hy Lạp đặt mục tiêu cứ 1% tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm 1 tỷ euro thâm hụt.

Liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu, Tổng thống Síp Demetris Christofias, nước vừa đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), đã kêu gọi nỗ lực tập thể từ tất cả các thể chế trong EU nhằm giải quyết những khó khăn hiện nay.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung ngày 6/7 với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso tại Nicosia, ông Christofias cho rằng EU sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn như việc thực thi các chính tăng trưởng và tạo việc làm vì vậy những nỗ lực tập thể là hết sức cần thiết để đạt được những mục tiêu đề ra.

Síp đã trở thành q uốc gia thứ năm trong số 17 nước thành viên Eurozone tìm kiếm khoản cứu trợ để giải cứu hệ thống ngân hàng. Nga đã đề xuất gói cứu trợ dành cho nước này với các điều kiện "dễ thở" hơn so với EU và IMF.

Theo Tổng thống Christofias, các điều kiện mà Nga đưa ra thuận lợi hơn do Mátxcơva không áp đặt bất kỳ điều kiện nào và cung cấp một mức lãi suất thấp hơn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục