Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp da giầy

Lefaso tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “IN_TRADE: Đổi mới và Thương hiệu - Công cụ cạnh tranh thành công trên thị trường toàn cầu.”
Ngày 8/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Da-Giầy Việt Nam (Lefaso) phối hợp với các đối tác Bỉ và Italy tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “IN_TRADE: Đổi mới và Thương hiệu - Công cụ cạnh tranh thành công trên thị trường toàn cầu.”

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn 3 (EU-Việt Nam MUTRAP 3) nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai dự án, đánh giá những mặt thuận lợi và khó khăn, các kết quả đạt được và đề xuất các hợp tác mới trong giai đoạn tiếp theo.

Dự án này có ý nghĩa quan trọng đối với ngành sản xuất da giầy - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Tòng, Tổng thư ký Lefaso cho biết sau hai năm hoạt động, bên cạnh những hoạt động đào tạo các cán bộ Hiệp hội ở các cấp và đào tạo cho doanh nghiệp thành viên về những vấn đề chính sách thương mại và tiếp cận thị trường, hỗ trợ kỹ thuật phát triển ngành, các đợt khảo sát học tập kinh nghiệm tại nước ngoài.

Dự án còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành một lĩnh vực rất mới và cấp thiết. Đó là vấn đề về đổi mới phương pháp thiết kế nhằm phát triển thành công bộ sưu tập sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho da giầy xuất khẩu Việt Nam nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu da giầy Việt Nam trên thị trường quốc tế và ngay chính tại thị trường trong nước.

Mục tiêu của dự án là xác định một con đường phát triển bền vững và cụ thể đối với các doanh nghiệp da giầy trong nước nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, khai thác các cơ hội kinh doanh và hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Mặc dù ngành giầy da Việt Nam hiện đứng thứ tư trong số tám nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Hong Kong và Italy, nhưng có tới 90% sản phẩm của giầy da Việt Nam là hàng gia công.

Có ba vấn đề các doanh nghiệp da giầy Việt Nam gặp phải: Thứ nhất là không chủ động được nguồn nguyên liệu nên phụ thuộc vào khách hàng và các nhà cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Thứ hai, công nghệ yếu nên không có sức cạnh tranh và doanh nghiệp phải làm gia công cho các công ty liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài là chính. Và cuối cùng là do công tác xúc tiến thương mại kém, nên hầu hết các doanh nghiệp sản xuất làm gia công ở tầng thứ 2, thứ 3.

Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu da giầy Việt Nam vào thị trường thế giới trên 2 tỷ USD, nhưng lượng giày của các chủ doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10-15%. Da giầy Việt Nam trên thế giới chưa có tên, thương hiệu cũng là một khó khăn lớn trong cạnh tranh.

Ông Enrico Perego, chuyên gia của tổ chức tư vấn kinh doanh Quốc tế OCTAGONA chia sẻ đối với bất kì doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ đều cần phải xây dựng thương hiệu. Đối với các doanh nghiệp nhỏ việc xây dựng thương hiệu càng cần thiết và quan trọng. Thương hiệu là con đường ngắn và hiệu quả nhất để người tiêu dùng biết đến một doanh nghiệp.

Các chuyên gia ngành da giày đều nhất trí rằng dự án được triển khai là một cơ hội lớn cho các hiệp hội, hội và doanh nghiệp da giầy Việt Nam tiếp cận với công nghệ khoa học hiện đại và các chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm, nhằm tăng cường các kiến thức về thương mại quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc đào tạo và hỗ trợ trực tiếp trong việc cải thiện kỹ năng thiết kế và marketing, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất.

Thông qua các hoạt động trợ giúp về thiết kế và phát triển bộ sưu tập, xây dựng và phát triển thương hiệu, các doanh nghiệp trong ngành đã xây dựng được một bộ sưu tập giầy chung của ngành./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục