Nâng nhận thức toàn xã hội với công tác lưu trữ

Các đại biểu cho rằng việc ban hành Luật lưu trữ sẽ góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội đối với công tác lưu trữ.
Sáng 12/11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Lưu trữ, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tán thành với việc cần thiết có Luật Lưu trữ.

Các đại biểu cho rằng việc ban hành Luật sẽ góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội đối với công tác lưu trữ; tiếp tục khẳng định tài liệu lưu trữ là tài sản quý báu của quốc gia, phải được quản lý thống nhất để khai thác, sử dụng lâu dài và phát huy giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại biểu Lê Doãn Hợp (Hưng Yên) nhấn mạnh công tác lưu trữ vô cùng quan trọng, "những gì bình dị hôm nay là vô giá ngày mai" nên cần có tầm nhìn đúng và đào tạo đội ngũ làm công tác lưu trữ cho tốt.

Các ý kiến đánh giá việc ban hành Luật Lưu trữ sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh lưu trữ quốc gia hiện hành; điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong hoạt động lưu trữ; bổ sung quy định phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế.

Thảo luận về nội dung lưu trữ điện tử, đa số ý kiến của các đại biểu tán thành với nội dung này vì đánh giá trong điều kiện phát triển khoa học, công nghệ hiện nay, việc bổ sung phương thức quản lý tài liệu lưu trữ điện tử là phù hợp với xu hướng phát triển và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến phân tích do tài liệu lưu trữ điện tử có tính chất, đặc điểm khác với tài liệu lưu trữ thông thường, nên trong Luật cũng cần có quy định về chế độ thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức, đồng thời vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ nguồn tài liệu.

Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) nhận định những nội dung thể hiện tại Điều 13 chưa đủ tầm. Đại biểu đánh giá lưu trữ điện tử là một phương pháp "khôn ngoan nhất" và đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thể hiện lại Điều 13 nêu bật sự cần thiết và đầu tư thỏa đáng về khoa học công nghệ cho phương pháp này.

Tại Điều 5 quy định về chính sách của Nhà nước về lưu trữ, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị bổ sung nội dung khuyến khích thực hiện công nghệ thông tin trong hoạt động lưu trữ.

Xung quanh nội dung về người làm công tác lưu trữ (Điều 42) quy định “Người làm công tác lưu trữ ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức, viên chức lưu trữ; được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ lưu trữ và kiến thức cần thiết khác đối với chức danh và được hưởng chế độ phụ cấp nghề nghiệp theo quy định của pháp luật,” đa số ý kiến đại biểu đều chưa thỏa mãn với quy định này.

Các ý kiến cho rằng quy định tại Điều 42 của dự thảo Luật chỉ nêu chung chung về tiêu chuẩn nghiệp vụ và việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ lưu trữ ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, trong khi hoạt động lưu trữ đang được tiến hành cả ở các cơ quan, tổ chức khác, kể cả khu vực ngoài nhà nước. Đây là vấn đề cần được tổng kết, đánh giá và có chính sách phù hợp để nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác lưu trữ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Đại biểu Quốc Khánh đề xuất dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn, nghiệp vụ và chế độ cho người làm công tác lưu trữ.

Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) đánh giá dự thảo Luật thiên về xã hội hóa hoạt động lưu trữ nên nặng về những quy định liên quan tới dòng họ, gia đình, trong khi những quy định về lưu trữ của cơ quan nhà nước chưa đầy đủ.

Đại biểu lấy dẫn chứng trong ngành tư pháp, hàng năm có số tài liệu cần lưu trữ lớn nhưng ngay trong luật cũng chưa thấy nói tới việc lưu trữ của ngành. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để có cái nhìn tổng thể và báo quát tất cả các ngành, lĩnh vực.  

Cũng nội dung này, trong báo cáo thẩm tra dự thảo Luật của Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng hiện nay tài liệu chuyên môn, nghiệp vụ của một số ngành như quốc phòng, công an, ngoại giao, tòa án, kiểm sát, địa chính… có khối lượng rất lớn, cần được bảo quản lâu dài tại ngành để phục vụ hoạt động đặc thù của các ngành này.

Việc thu thập, bảo quản, khai thác, sử dụng khối tài liệu này nếu không được thực hiện một cách cẩn trọng, có thể dẫn đến thất lạc, hư hỏng, mất mát tài liệu, làm lộ bí mật thông tin, gây hậu quả khó lường...

Nhưng quy định của dự thảo Luật về vấn đề này còn chung chung, không cụ thể, đề nghị xác định rõ trong Luật những ngành được quản lý tài liệu chuyên môn, nghiệp vụ lâu dài tại ngành, thời hạn được lưu giữ, chế độ quản lý, khai thác và sử dụng tài liệu; thời hạn phải chuyển giao tài liệu cho lưu trữ lịch sử...

Một số nội dung khác của dự thảo luật cũng được các đại biểu cho ý kiến đóng góp. Về Điều 16 - Xác định giá trị tài liệu, đại biểu Ngọc Đào không nhất trí như dự thảo Luật và cho rằng phải có hội đồng khoa học liên quan đến lĩnh vực đó xác định giá trị tài liệu.

Về Điều 17 - Hủy tài liệu hết giá trị, đại biểu Quốc Khánh đề nghị trong dự thảo cần quy định cụ thể như thế nào là tài liệu hết giá trị, thể hiện như dự thảo Luật là chưa rõ ràng, đại biểu nhận xét...

Đại biểu Trần Đình Long (Đắk Lắk) và một số đại biểu khác đề nghị ngay trong dự thảo Luật cần quy định rõ cái gì cần lưu trữ lâu dài, cái gì lưu trữ có thời hạn./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục