Nguy cơ sụp đổ

Italy: Tranh cãi về bầu cử sẽ khiến chính phủ sụp đổ

Tranh cãi về việc có kết hợp hay không bầu cử địa phương và tổng tuyển cử có thể sẽ khiến chính phủ đương nhiệm của Italy sụp đổ.
Đảng Nhân dân Tự do (PDL) trung hữu của cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi ngày 15/11 cảnh báo rằng chính phủ đương nhiệm của nước này có thể sụp đổ nếu các cuộc bỏ phiếu địa phương không được kết hợp tổ chức cùng thời điểm với cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 4/2013.

Tổng thư ký PDL, ông Angelino Alfano cho rằng việc tổ chức bầu cử địa phương và tổng tuyển cử vào các thời điểm khác nhau sẽ khiến Italy phải tiêu tốn thêm 128 triệu USD tiền "thuế" của dân.

Nếu đảng Dân chủ (PD) trung tả của nhà lãnh đạo Pier Luigi Bersani không chấm dứt việc phản đối tổ chức đồng thời bầu cử địa phương và tổng tuyển cử, PD sẽ rút lui sự ủng hộ đối với Chính phủ kỹ trị Mario Monti và điều này có thể khiến chính phủ này bị sụp đổ.

Hiện có tin PDL đang xem xét khả năng rút lui sự ủng hộ đối với Chính phủ Monti trừ khi các cuộc bầu cử địa phương ở các vùng Lazio, Lombardy và Molise được tổ chức đồng thời với cuộc tổng tuyển cử vào mùa Xuân năm tới.

Thực tế cho thấy các vùng Lazio và Lombardy đang rất cần được tổ chức bầu cử sớm do chính quyền ở những vùng này gần đây đã bị khủng hoảng sau khi chủ tịch của hai vùng Lazio và Lombardy, đều là người của PDL, từ chức do dính líu đến các vụ bê bối tham nhũng.

Nhưng PDL, cũng như đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Trung dung (UDC) và đảng Liên đoàn Phương Bắc (LN) nói rằng họ muốn kết hợp bầu cử địa phương và tổng tuyển cử nhằm tiết kiệm chi phí và cũng để ngăn chặn khả năng khoảng thời gian sáu tháng tới trở thành một chiến dịch vận động tranh cử quá dài.

Trong khi đó, lãnh đạo đảng PD, ông Bersani cùng ngày 15/11 đã hạ thấp nguy cơ Chính phủ Monti có thể bị hạ bệ trước khi kết thúc nhiệm kỳ với việc cho rằng "một cuộc khủng hoảng chính phủ sẽ không xảy ra".

Cũng theo ông này, các đảng phải vượt qua tình trạng bế tắc hiện tại trong đàm phán để đưa ra một luật bầu cử mới thay thế cho hệ thống bầu cử vốn đang bị chỉ trích nhiều hiện nay.

Một số nhà phân tích nhận định PD muốn bầu cử địa phương ở các vùng nói trên được tổ chức sớm để đảng này có thể tận dụng được lợi thế ủng hộ hiện nay, đồng thời sự thành công của họ trong các cuộc bầu cử địa phương có thể tạo đà để tiến tới cuộc tổng tuyển cử.

Các cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất cho thấy cho thấy đảng PD hiện giành được tỷ lệ ủng hộ khoảng 27%, xếp vị trí thứ nhất. Vị trí thứ hai thuộc về đảng Phong trào 5 Ngôi sao của nhà hài kịch Beppe Grillo với tỷ lệ ủng hộ là 20% và tiếp đó là đảng PDL với 15%./.

Ngự Bình/Rome (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục