Nhiều thách thức cho hàng xuất khẩu Việt tại Mỹ

Hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ vẫn chưa tạo được đột biến mà vẫn chỉ tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng truyền thống.
Một số nhóm hàng và mặt hàng của Việt Nam gồm may mặc, đồ gỗ nội thất, túi ví da và ô (dù), thủy sản, giày dép và nhóm hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao như máy móc thiết bị điện, phụ tùng được xem là có tiềm năng, khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ trong thời gian tới.

Tại Hội thảo “Bí quyết thành công với thị trường Mỹ” diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/8, các chuyên gia kinh tế đã nhận định như vậy về năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt tại thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, theo nhận định, vẫn có các nhóm hàng sức cạnh tranh còn yếu so với hàng hóa các quốc gia khác như dệt kim, đồ may mặc cao cấp... do chưa đáp ứng được mẫu mã, chất lượng, thị hiếu của thị trường.

Trong đó, những mặt hàng xuất khẩu mới chưa xuất hiện nhiều hoặc chiếm tỷ trọng rất thấp trong kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ như đồ vật tư y tế, màn hình và máy chiếu (tuy tăng trưởng nhanh nhưng chỉ chiếm tỷ trọng 0,001%); mạch điện (0,003%); phụ tùng và linh kiện ôtô, xe máy (0,16%).

Ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ vẫn chưa tạo được đột biến mà vẫn chỉ tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng truyền thống và vấp phải sự cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc đã vượt Canada trở thành nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ, năm 2010 xuất khẩu của Trung Quốc chiếm gần 20% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.

Đối với những mặt hàng mà Việt Nam đang quan tâm và đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ như dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện tử, đồ chơi… thì Trung Quốc đều chiếm thị phần rất lớn tại Mỹ.

Năm 2011 được đánh giá sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải thúc đẩy nghiên cứu, cải tiến sản phẩm; xây dựng chiến lược dài hạn để tiếp cận và hoạt động hiệu quả tại thị trường Mỹ…

Bên cạnh đó, cần có những biện pháp cụ thể và hiệu quả về phát triển sản xuất và tăng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; đẩy mạnh đàm phán mở rộng thị trường, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường sự hiện diện các phái đoàn thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Mỹ./.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục