Tăng hợp tác Cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN

Hội nghị ADMM-5 đã bế mạc với việc ra Tuyên bố chung kêu gọi tăng cường hợp tác an ninh-quốc phòng giữa các nước thành viên.
Chiều 19/5, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 5 (ADMM-5) đã bế mạc tại thủ đô Jakarta của Indonesia.

Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung, kêu gọi tăng cường hợp tác an ninh-quốc phòng giữa các nước thành viên nhằm đảm bảo và tiếp tục thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực, hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, với một trong ba trụ cột quan trọng là Cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN (ASPC).

Tuyên bố chung khẳng định tự do hàng hải ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển; khẳng định cam kết của các nước thành viên ASEAN thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới thông qua Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để tiếp tục thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.

Hội nghị cũng nhất trí thành lập một ủy ban điều phối chung trong việc sử dụng tài sản quân sự ASEAN để trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai; nhất trí với 3 đề xuất, gồm chương trình làm việc 3 năm của ADMM 2011-2013, thành lập mạng lưới các trung tâm giữ gìn hòa bình ASEAN và thiết lập cơ chế cộng tác về công nghiệp quốc phòng ASEAN.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường vai trò của ADMM trong ASEAN; nhấn mạnh diễn đàn ADMM còn là phương tiện để thúc đẩy hợp tác song phương. Sự phát triển tích cực của diễn đàn này đã cải thiện đáng kể tính minh bạch, tin cậy và tôn trọng trong ASEAN - tiền đề quan trọng cho việc tăng cường hợp tác quốc phòng ASEAN trong tương lai.

Bộ trưởng Yusgiantoro cũng cho rằng ASEAN cần duy trì tính trung tâm của khối trong việc phát triển diễn đàn ADMM + với các nước, như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia, nhằm tăng cường hợp tác, đảm bảo an ninh, ổn định khu vực; khẳng định hiệu quả của các hoạt động như ngăn chặn cướp biển, buôn lậu và khủng bố, củng cố lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với ASEAN. Indonesia có kế hoạch khuyến khích các sỹ quan an ninh trong khu vực thực hiện các cuộc gặp chính thức và không chính thức để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác thiết thực trong ASEAN để đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống và xung đột trong khu vực.

Bên cạnh các cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan-Campuchia, và cuộc gặp ba bên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia-Thái Lan-Campuchia để trao đổi về tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia bên lề hội nghị, ADMM-5 cũng đã thảo luận về vấn đề tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia, nhất trí cho rằng các giải pháp cần được thực hiện thông qua thương lượng, hòa bình.

Trả lời phỏng vấn các phương tiện truyền thông, Tổng Tư lệnh quân đội Indonesia, Đô đốc Agus Suhartono cho biết tại Hội nghị ADMM-5, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã nhất trí về việc chia sẻ thông tin tình báo, bao gồm cả việc trao đổi các phân tích tình báo giữa các nước trong khu vực; lực lượng vũ trang các nước ASEAN cũng sẽ hợp tác về quản lý thiên tai và bảo vệ an ninh xuyên quốc gia, và có thể sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung.

Theo kế hoạch, trong ngày 20/5, Tổng thống Indonesia Susilo Bambangh Yudhoyono tiếp các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục