Đào tạo trong nước tốt trước khi gửi ra nước ngoài

Giáo sư Đào Xuân Học đề nghị phải đào tạo trong nước tốt hơn để làm tiền đề cho việc gửi người đi đào tạo cán bộ ở nước ngoài.
Sáng 9/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước, theo Quyết định 322 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 322).

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương, các trường đại học, cao đẳng và đông đảo các chuyên gia, giáo sư, tiến sỹ, nhà quản lý tới dự.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ đây là Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm thay đổi chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thời gian qua và bổ sung tốt cho các cơ sở đào tạo.

Giáo sư Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị phải đào tạo trong nước tốt hơn để làm tiền đề cho việc gửi người đi đào tạo nước ngoài; học tập các nước trong việc biên soạn các giáo trình dạy trong đại học một cách hấp dẫn, sinh động và dễ nhớ.

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu giải pháp như các trường cần có quy định về trình độ ngoại ngữ nhất định, để cán bộ giáo viên chuẩn bị tốt từ trước, tránh được tình trạng bị động khi chọn người đi đào tạo nước ngoài.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng thời gian tới nên hạn chế tối đa việc cán bộ được đào tạo về nghiên cứu khoa học khi về lại bố trí vào công việc quản lý nhà nước. Như vậy sẽ không phát huy được sở trường và lãng phí công sức, thời gian đào tạo.

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - người đặt nền móng cho Đề án bày tỏ chương trình như là luồng sinh khí mới thay đổi tư tưởng, hành động trong dạy học, quản lý…

Đúc kết các bài học thực tiễn từ hàng chục năm qua, ông đề nghị kéo dài chương trình này một cách lâu dài và có thể lên đến 40 năm tới.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, hàng chục năm qua, bình quân mỗi năm Việt Nam có 1.000 người được đào tạo ở nước ngoài do nguồn hỗ trợ và học bổng từ các nước.

Từ năm 2000 đến nay bình quân mỗi năm chỉ có 460 người được đi đào tạo do nguồn ngân sách Nhà nước cấp. Con số tuy còn khiêm tốn, nhưng quan trọng hơn là đã có một tư duy, cách làm đổi mới. Đặc biệt là đã thiết lập được các mối quan đối với 832 cơ sở đào tạo ở 34 quốc gia.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ năm 2000 đến 2007, Việt Nam gửi đi đào tạo được 1.141 tiến sỹ, chiếm 33% trong tổng số tiến sỹ đươc đào tạo trong giai đoạn 10 năm qua. Từ năm 2008 đến nay, lượng tiến sỹ được đào tạo đạt 1.127 người, chiếm gần 70%.

Điều này chứng minh rằng những năm trước là tiền đề để chúng ta học tập, đúc rút kinh nghiệm nên công tác này ngày càng đi vào chuyên nghiệp và bài bản.

Bên cạnh đó, Việt Nam có được mối quan hệ với Đại sứ quán các nước và các trường trên thế giới, giúp quản lý và giúp đỡ cho khoảng 80.000 lưu học sinh Việt Nam đang học ở nước ngoài.

Đề án 322 đã đem lại hiệu quả rất tốt, sau khi đào tạo đã có 3.000 tiến sỹ, tương đương 95% số lượng tiến sỹ, về nước làm việc, 2% tiếp tục theo học ở bậc cao hơn, 2% về nước chậm và chỉ có 1% là không hoàn thành hoặc không về nước.

Con số đó đã chứng minh rằng việc quản lý rất chặt chẽ và điều đáng biểu dương là tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc của các học viên rất cao.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn có nhiều khó khăn cần tháo gỡ như cần tăng cường các mối quan hệ, đa dạng hóa lĩnh vực đào tạo, có nhiều chỉ tiêu ở các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tin học, văn hóa nghệ thuật. Đồng thời cần cử người đi đào tạo ở nhiều nước khác nhau, bởi trong thời gian qua trong tổng số 34 nước thì chủ yếu lượng học sinh tập trung ở 11 nước, với hơn 93% số người được gửi đi đào tạo.

Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới Bộ Giáo dục phối hợp với các Bộ, ngành và các trường để rà soát và phân bổ chỉ tiêu đi đào tạo, từ đó xây dựng đề án, cơ chế chính sách trình Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các trường nắm bắt cơ hội gửi người đi đào tạo; Bộ Giáo dục làm cầu nối để giúp các tỉnh thành, các doanh nghiệp có nhu cầu cấp kinh phí đào tạo cán bộ.

Những học viên trở về nước được đăng tải danh sách, trình độ chuyên môn, cũng như nhu cầu làm việc một cách công khai để các đơn vị, các doanh nghiệp trong cả nước chủ động tuyển dụng, sử dụng nhân tài mà không phải mất công, lãng phí tiền của khi đi tìm người.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 10 năm thực hiện Đề án, cả nước đã gửi đi đào tạo 7.129 người, trong đó tiến sỹ là 3.838 người, thạc sĩ 2042 người… với tổng kinh phí trên 2.500 tỷ đồng. Nhiều người được đi đào tạo khi trở về phát huy năng lực chuyên môn, hiện đang giữ nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan và cơ sở đào tạo giáo dục.

Đề án 322 thiết thực trong việc bổ sung chất xám cho các trường, từ đó lực lượng này truyền tải cho học sinh trong nước một cách bài bản hơn và ngoài ra còn tạo được sự liên kết đào tạo với các trường trên thế giới.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có đề án để tiếp tục trình Chính phủ quyết định triển khai chương trình này trong giai đoạn mới./.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục