Công bố sản phẩm dự án biên soạn quan hệ Việt-Lào

Sau hơn bốn năm triển khai, công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt-Lào, Lào-Việ giai đoạn 1930-2007 gồm 6 sản phẩm đã hoàn thành.
Ngày 19/10, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật tổ chức Lễ tổng kết công tác biên tập xuất bản và công bố các sản phẩm dự án biên soạn lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam giai đoạn (1930-2007) tại Hà Nội.

Sau hơn bốn năm triển khai thực hiện, đến nay công trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam, được cả hai bên phối hợp nghiên cứu và biên soạn, đã hoàn thành.

Công trình “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam giai đoạn 1930-2007", có sáu sản phẩm gồm sản phẩm chính; văn kiện Đảng và Nhà nước; biên niên sự kiện; hồi ký (gồm bài viết của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; hồi ký các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào qua các thời kỳ); sách ảnh và bộ phim tài liệu “Bản anh hùng ca quan hệ Việt-Lào”.

Công trình nói chung và các sản phẩm nói riêng đều đạt được giá trị khoa học, chính trị, tư tưởng và có ý nghĩa lịch sử to lớn, góp phần thiết thực trong tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ; đồng thời nâng cao ý thức gìn giữ, vun đắp và phát triển mãi mãi mối quan hệ tốt đẹp, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào; đấu tranh chống lại sự xuyên tạc, bóp méo lịch sử của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ tình đoàn kết của nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.

Sau khi kết thúc việc biên soạn và tổ chức nghiệm thu công trình, các cơ quan chức năng của hai nước Việt Nam-Lào đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc biên dịch và xuất bản thành ba thứ tiếng Việt Nam, Lào và tiếng Anh, đồng thời đã tổ chức phát hành sâu rộng từ trung ương đến địa phương ở hai nước.

Phát biểu tại Lễ tổng kết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những nỗ lực cố gắng của hai Ban Chỉ đạo, các Ban Biên soạn, các bộ, ngành, tham gia dự án của cả hai nước Việt Nam, Lào.

Chủ tịch nước khẳng định lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của hai dân tộc Việt Nam-Lào là vô cùng vẻ vang, oanh liệt. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, hai dân tộc xây đắp mối quan hệ truyền thống hết sức tốt đẹp và đặc biệt từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời đến nay; quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt-Lào là mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, liên minh chiến đấu đăc biệt thủy chung, trong sáng, mẫu mực hiếm có trong quan hệ quốc tế.

Hơn 80 năm qua, mối quan hệ đó là nguồn sức mạnh vô tận, đưa cách mạng Việt Nam, cách mạng Lào làm nên nhiều kỳ tích lịch sử, cần phải được phát huy trong điều kiện mới. Chính vì lẽ đó, việc nghiên cứu, biên soạn Bộ lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam có ý nghĩa to lớn, hết sức quan trọng.

Chủ tịch cho rằng, mỗi sản phẩm của công trình đều chứa đựng và phản ánh sâu sắc, sinh động, phong phú mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, thể hiện rõ những cống hiến và hy sinh to lớn của đồng bào, đồng chí và chiến sỹ hai nước, nhân tố làm nên thắng lợi vẻ vang của hai dân tộc trong hơn 80 năm qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh, nhiệm vụ hiện nay là phải khai thác, phát huy hơn nữa các giá trị khoa học lịch sử to lớn của công trình, đồng thời phối hợp với các bạn Lào tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nâng cao hơn nữa chất lượng công trình, chuẩn bị cho việc tái bản sau này.

Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan chức năng hai nước tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân hai nước về nội dung của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, về sự đồng cam cộng khổ, hy sinh xương máu của đồng bào, chiến sỹ hai nước Việt Nam-Lào trong 80 năm qua để làm nên quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào và những thành quả vĩ đại của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào hôm nay; đưa nội dung của công trình vào trong các chương trình giáo dục đào tạo ở các cấp học, trường học, các lớp học ở cả hai nước để giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.

Các cấp, các ngành, các địa phương nghiên cứu để gìn giữ, phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, thúc đẩy quan hệ tốt đẹp hơn nữa giữa hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước trong thời gian tới; nghiên cứu những nội dung thích hợp, tổ chức thông tin rộng rãi với bạn bè quốc tế lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.

Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, chỉ đạo các cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp với các bạn Lào nghiên cứu, bổ sung những sự kiện, nhân chứng lịch sử, những nội dung khoa học mới, làm sâu sắc các vấn đề lý luận và thực tiễn về quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước./.

Hoàng Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục