Giá đồng thế giới năm nay tiếp tục vững ở mức cao

Giá đồng thế giới tiếp tục ở mức cao do nhu cầu từ Trung Quốc gia tăng, trong khi Mỹ Latinh vẫn là nhà cung cấp lớn nhất thế giới.
Theo Giám đốc điều hành tập đoàn Rio Tinto, Andrew Harding, giá đồng thế giới tiếp tục vững ở mức cao trong năm nay do nhu cầu từ Trung Quốc gia tăng và tiếp tục dẫn đầu nhu cầu toàn cầu đối với kim loại này, trong khi Mỹ Latinh vẫn là nhà cung cấp đồng lớn nhất thế giới.

Các nhà phân tích thị trường cho rằng Trung Quốc ngày càng cần nhiều đồng hơn khi mở rộng quá trình đô thị hóa và tăng cường các chương trình công nghiệp hóa ở một đất nước còn tới 50% dân số vẫn sống ở khu vực nông thôn.

Cho dù Trung Quốc đã điều chỉnh giảm nhịp độ tăng trưởng nóng của nền kinh tế, song trên 500 các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh đồng Thế giới tại Santiago (Chile) cho rằng động thái như vây sẽ không làm giảm được “cơn khát” kim loại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Giám đốc điều hành công ty sản xuất đồng quốc gia Codelco của Chile, Diego Hernandez cho biết, trong 20 năm qua, nhu cầu đồng tại Trung Quốc đã tăng 13,6% và sẽ tiếp tục tăng cho dù nhịp độ có phần chậm lại trong những năm tới.

Ông cho biết Codelco là nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới, khi chiếm 11% nguồn cung thị trường, và Trung Quốc là khách hàng lớn nhất thế giới khi mua tới 38% lượng cung trên thị trường.

Hiệp hội InterAmerican Society of Mining dự báo đầu tư vào các dự án khai thác mỏ ở Mỹ Latinh từ nay đến năm 2020 sẽ vào khoảng 3.000 tỷ USD, và nhờ các khoản đầu tư lớn vào ngành sản xuất đồng mà Chile và Peru sẽ vẫn là các nhà cung cấp đồng hàng đầu thế giới.

Bộ trưởng Khai thác mỏ Chile, Hernan de Soliminihac cho biết nước này sẽ nắm giữ 30% thị phần của sản xuất đồng thế giới với kế hoạch đầu tư 91,455 tỷ USD vào lĩnh vực khai mỏ, trong đó 77% dành cho khai thác đồng, từ nay đến năm 2020.

Trong khi đó, đầu tư vào khai thác mỏ của Peru dự kiến ​​sẽ vượt 50 tỷ USD trong thập kỷ này.

Tuy nhiên, nhà phân tích ngành công nghiệp khai thác mỏ Vanessa Davidson lưu ý về những trở ngại chính trị có thể cản trở các dự án khai thác khoáng sản ở Peru, khi người dân địa phương và các nhà bảo vệ môi trường lo ngại về những thiệt hại có thể của việc tăng cường khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Bộ trưởng Môi trường Chile, Ignacia Benitez cho biết ở nước này cũng có các cuộc tranh luận tương tự về nguy cơ tác động đến môi trường, khi ngành công nghiệp khai thác sử dụng khoảng 37% nguồn cung điện của đất nước, và tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng lên 44% vào năm 2017.

Hơn nữa, nếu không có kế hoạch mở rộng sản lượng điện thì các dự án khai thác mỏ có thể sẽ bị trì hoãn, trong khi triển khai đầu tư ồ ạt mở rộng sản xuất như vậy sẽ dẫn đến dư cung, gây bất lợi cho giá cả./.

Việt Tú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục