Thiếu nghệ nhân và lớp người kế cận cho ca trù

Dù hiện nay, số câu lạc bộ ca trù ở Việt Nam tăng gấp 3 lần so với lần kiểm kê năm 2004 nhưng vẫn đáng ngại về nhân lực của ca trù.
Dù hiện nay, số câu lạc bộ ca trù ở Việt Nam tăng gấp 3 lần so với lần kiểm kê năm 2004 nhưng vẫn đáng ngại về nhân lực của ca trù.

Đây là con số đáng lo ngại được đưa ra tại Hội nghị đánh giá kết quả kiểm kê di sản văn hóa ca trù 2009-2011 diễn ra hôm nay (13/10), tại Hà Nội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Theo PGS.TS Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc, mặc dù hiện nay Việt Nam đã có 51 câu lạc bộ ca trù với trên 500 thành viên tham gia đàn hát ca trù, gấp hơn 3 lần so với lần kiểm kê năm 2004 nhưng vẫn đáng ngại về nguồn nhân lực.

Hiện nay, nhiều nghệ nhân dân gian, nghệ nhân tiêu biểu tuổi đã cao, trong đó có những cụ sức khỏe đã ở mức báo động. Nhiều cụ tuy đã được vinh danh nhưng cuộc sống hàng ngày còn gặp nhiều khó khăn nên việc cống hiến, truyền dạy bài bản cổ cho thế hệ sau còn chưa thuận lợi.

Bên cạnh đó, không gian ca trù còn bị bó hẹp và thế hệ trẻ phần lớn còn chưa nhiệt tình với ca trù…

Tán thành với báo cáo của ông Lê Văn Toàn, hầu hết các tham luận trong hội nghị đều phản ánh một thực trạng ca trù ở Việt Nam đang thiếu những nghệ nhân tài giỏi và thiếu lớp người kế cận.

Ông Nguyễn Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết không gian diễn xướng cung đình, cửa đình và ca quán của nghệ thuật này đã không còn tồn tại. Các ả đào, kép đàn mai danh ẩn tích, con cháu đứt đoạn không được nối nghề.

Ngoài Câu lạc bộ ca trù Hà Nội ra đời từ năm 1991, lần lượt các câu lạc bộ, nhóm ca trù… khác cũng ra đời. Thực tế có 13/17 câu lạc bộ, nhóm mang tên gọi “Ca trù” và có hoạt động.

Tuy nhiên, xuất phát từ việc tìm hiểu, học nghề, truyền nghề dễ dãi nên chất lượng nghề nhìn chung còn non, chạy theo thành tích, phong trào là chính. Có tình trạng một số ca nương chỉ biết vài thể cách nhưng chưa đúng điệu và phách còn sai lạc.

“Nhìn chung phong trào rầm rộ, phát triển nhưng chất lượng còn quá non,” ông Chiêm nói.

Đơn cử như tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Văn Lộc, Phó Giám Đốc Trung tâm Văn hóa thành phố ngậm ngùi cho biết, đến nay, trên địa bàn mới chỉ có 14 đào nương từ 37 đến 85 tuổi và 8 kép chơi đàn đáy, 5 nghệ sĩ trống chầu với 2 câu lạc bộ ca trù.

Với số liệu trên thì số nghệ nhân ca trù hiện nay ở thành phố trên 8 triệu dân này là quá ít ỏi. Bên cạnh đó, nhiều nghệ nhân tuổi già sức yếu trong khi họ vẫn chưa kịp đào tạo được đội ngũ kế thừa.

“Nguy cơ nếu trong khoảng một, hai thập niên nữa, nếu không có bước đột phá tạo trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị ca trù… thì có khả năng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không còn trên bản đồ địa phương có di sản ca trù,” ông Lộc nói.

Chia sẻ ý kiến này, bà Phan Thư Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cũng cho biết, hiện tỉnh có hai câu lạc bộ ca trù, tuy số lượng nghệ nhân có tăng so với trước kia nhưng không đáng kể. Trong khi đó, việc thu hút con em vào sinh hoạt, học nghề còn hạn chế, chưa nhân rộng được.

Trước thực trạng này, Viện Âm nhạc đã xây dựng dự án "Nghiên cứu, truyền dạy, phát huy và kiểm kê ca trù năm 2012" để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trong dự án có nội dung truyền dạy ca trù rộng rãi cho lớp thanh thiếu niên của các tỉnh, thành phố có di sản ca trù để kịp thời phát huy vai trò của các nghệ nhân lão thành.

Nhận xét về dự án này, Tiến Sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho rằng, đây là dự án cần thiết để bảo vệ và phát huy di sản ca trù./.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục