Công ty chứng khoán thu hẹp quy mô để tồn tại

Với bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước gặp nhiều bất ổn như hiện nay, thị trường chứng khoán đã và đang là một trong những lĩnh vực kinh tế bị tổn thương lớn. Sự trầm lắng của thị trường chứng khoán kéo suốt một thời gian dài đang khiến nhiều công ty chứng khoán kiệt sức. Với bức tranh ‘xám màu” như vậy, đại diện nhiều công ty chứng khoán khẳng định, công ty nào không thu hẹp và tiết giảm chi tiêu là điều lạ, mặc dù biết là sẽ ảnh hưởng về hình ảnh và thương hiệu công ty đã bao năm xây dựng trước đó.
Thời gian gần đây, hai sở giao dịch chứng khoán liên tục công bố thông tin về việc các công ty chứng khoán thành viên thông báo đóng cửa phòng giao dịch và chi nhánh.

Công ty Chứng khoán ACB đóng cửa cùng lúc bốn phòng giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, gồm phòng giao dịch Gò Vấp, phòng giao dịch Nguyễn Văn Trỗi, phòng giao dịch Phan Đình Phùng, phòng giao dịch Cộng Hòa.

Cũng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán An Bình đóng cửa phòng giao dịch Trần Quang Khải. Công ty Chứng khoán Chợ Lớn đóng cửa phòng giao dịch Bảy Hiền.

Thời điểm năm 2009, thị trường chứng khoán hồi phục, các công ty chứng khoán rơi vào cuộc đua cạnh tranh thị phần môi giới, theo đó chiến lược phát triển thị trường đã không ngừng được mở rộng. Nhiều công ty chứng khoán mạnh dạn triển khai chi nhánh ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Không những thế, tại các khu vực kinh tế năng động có công ty chứng khoán xây dựng cả một mạng lưới các phòng giao dịch.

Tuy nhiên với bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước gặp nhiều bất ổn như hiện nay, thị trường chứng khoán đã và đang là một trong những lĩnh vực kinh tế bị tổn thương lớn.

Quan sát diễn biến giao dịch kể từ đầu năm tới nay, thị trường tiếp tục giằng co lên, xuống trong biên độ hẹp, theo đó tính thanh khoản cũng giảm sút mạnh mẽ so với hai năm trước. Do đó, hầu hết các công ty chứng khoán từ lớn đến nhỏ trên cùng có chung trạng thái hoạt động cầm cự.

Ông Trần Đăng Huy, Trưởng phòng Môi giới và Phát triển hệ thống, Công ty Chứng khoán Woori chỉ ra rằng chi phí lớn nhất tại các công ty chứng khoán chính là các khoản chi phí thuê văn phòng và trả lương. Mỗi chi nhánh cần có khoảng 10 nhân sự trở lên và mỗi phòng giao dịch nếu ít cũng từ 3 đến 5 nhân sự, đó là chưa kể đến các chi phí điện, nước, văn phòng phẩm…

“Có tới 50% đến 60% thị phần môi giới nằm trong tay 10 công ty chứng khoán lớn, số còn lại chia cho hơn 90 công ty chứng khoán do đó phí môi giới thu về không đáng bao nhiêu. Các khoản thu nhập khác từ tự doanh hay tư vấn tài chính doanh nghiệp, đầu tư tài chính khác… trong điều kiện hiện nay đều gặp khó khăn. Việc thu nhỏ quy mô kinh doanh cũng là bước đường cùng phải làm ởi bối cảnh cần thiết phải duy trì sự tồn tại,” ông Huy nhấn mạnh.

Khác với cú sốc năm 2008, sự trầm lắng của thị trường chứng khoán kéo suốt một thời gian dài đang khiến nhiều công ty chứng khoán kiệt sức. Với bức tranh ‘xám màu” như vậy, đại diện nhiều công ty chứng khoán khẳng định, công ty nào không thu hẹp và tiết giảm chi tiêu là điều lạ, mặc dù biết là sẽ ảnh hưởng về hình ảnh và thương hiệu công ty đã bao năm xây dựng trước đó.

Ông Nguyễn Tiến Hoàng, Giám đốc Maketing Công ty Chứng khoán IRS cho biết, vẫn giữ mục tiêu duy trì chất lượng dịch vụ là hàng đầu, song để đảm bảo thu vẫn đủ bù chi, công ty đã sắp xếp lại vị trí văn phòng làm việc, trả lại gần 25% diện tích mặt bằng. Bộ phận Tư vấn chăm sóc khách hàng, Phân tích, Giao dịch đã được chuyển ra làm việc ngay tại sàn giao dịch. Như vậy vừa thuận tiện trong việc gặp gỡ, tiếp xúc khách hàng và đồng thời tận dụng được không gian làm việc trong buổi chiều, khi thị trường nghỉ giao dịch.

“Về nhân sự, mỗi nhân viên sẽ đảm nhận công việc nhiều gấp 2-3 lần công việc trước đó, đội ngũ lãnh đạo cũng sẽ làm các công tác kiêm nhiệm. Lương nhân viên thì không giảm được, nhưng phụ cấp ban điều hành đã giảm. Trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, công ty đã đặt trước tình huống khó khăn nhất, nếu "lạm" vào vốn cũng cầm cự được từ 3 đến 5 năm.”

Tiết giảm chi phí kinh doanh để tồn tại và vượt qua thời kỳ nền kinh tế có nhiều biến động khó lương là việc làm rất cần thiết. Và hầu hết, các công ty chứng khoán cũng khẳng định việc đóng cửa các văn phòng giao dịch và chi nhánh sẽ không ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư của các khách hàng trước đó.

Bởi hiện nay công nghệ giao dịch trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán là hết sức hiện đại. Khách hàng chỉ cần ở tại nhà, song vẫn thực hiện được tất cả các giao dịch mua bán, chuyển tiền từ ngân hàng hay thậm chí là cả hoạt động giao dịch ký quỹ./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục