BIDV phục vụ Dự án nâng cấp Đô thị vùng ĐBSCL

BIDV được chỉ định ngân hàng phục vụ cho Dự án “Nâng cấp Đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long” có vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Ngày 20/6/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ký ban hành Quyết định số 1253/QĐ-NHNN về việc chỉ định ngân hàng phục vụ cho Dự án “Nâng cấp Đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm ngân hàng phục vụ cho Dự án “Nâng cấp Đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long” ký ngày 11/5/2012 giữa đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB).

Ngoài ra, Thống đốc cũng giao Tổng Giám đốc BIDV chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức; các văn bản hướng dẫn thực hiện của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các quy định, hướng dẫn của WB để phục vụ tốt việc thực hiện khoản tài trợ trên.

Được biết, Dự án trên nhằm nâng cấp 6 đô thị lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long, gồm thành phố Cần Thơ, thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau), thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) và thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang). Đây là một phần trong chiến lược nâng cấp đô thị quốc gia đến năm 2020 nhằm nâng cao điều kiện sống của người dân đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án có 6 hạng mục chính là: nâng cấp cơ sở vật chất ở các khu vực hạ tầng yếu kém; nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp I, cấp II và hỗ trợ cơ sở hạ tầng cấp III nhằm cung cấp tài chính cải tạo hạ tầng cấp I, II ở những nơi cần thiết; xây dựng các khu tái định cư cho những hộ dân sống dọc theo bờ kinh, những vị trí không an toàn, buộc phải di dời; cho các hộ khó khăn vay vốn cải tạo nhà ở; nâng cao năng lực quản lý nhà và đất và năng lực về quản lý, qui hoạch đô thị, cho chính quyền địa phương.

Các công trình thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân như đường giao thông, cấp thoát nước, thu gom và xử lý chất thải rắn được ưu tiên xây dựng, có sự tham gia của cộng đồng tại tất cả các giai đoạn. Số người được hưởng lợi trực tiếp từ dự án tại 6 đô thị là 142.000 người và số người hưởng lợi gián tiếp 1,39 triệu người./.

Thúy Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục