Trao đổi hợp tác quốc hội Việt Nam-New Zealand

Từ ngày 29/6-2/7, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu đã thăm và làm việc tại New Zealand.
Tiếp theo chuyến thăm Australia, từ ngày 29/6-2/7, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu đã thăm và làm việc tại New Zealand.

Trong thời gian làm việc ở New Zealand, đoàn đã gặp và làm việc với Chủ tịch Quốc hội Lockwook Smith, Phó Chủ tịch Quốc hội Lindsay Tisch và lãnh đạo các cơ quan như Ủy ban Tư pháp và bầu cử, Tòa án Tối cao, Văn phòng Luật sư Quốc hội, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị New Zealand-Việt Nam và một số cơ quan khác của New Zealand. Đoàn cũng đã tham dự phiên họp chất vấn các thành viên chính phủ tại Quốc hội.

Trong buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội New Zealand Lockwook Smith, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ vui mừng đến thăm New Zealand đúng năm hai nước Việt Nam và New Zealand tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thông báo vắn tắt về tình hình của Việt Nam nói chung và hoạt động của Quốc hội Việt Nam nói riêng trong thời gian qua, đồng thời mời Quốc hội New Zealand cử đoàn sang tham dự Đại hội đồng AIPA-31 sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ 19-25/9 tới.

Chủ tịch Quốc hội New Zealand Lockwook Smith đánh giá cao mối quan hệ ngày càng phát triển tốt đẹp giữa hai nước nói chung và quan hệ giữa hai Quốc hội nói riêng trong thời gian qua, đặc biệt sau khi hai nước ký Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác toàn diện tháng 9/2009.

Chủ tịch Smith bày tỏ quan tâm đến Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới và bầu cử Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra vào năm 2011; mục tiêu của Việt Nam mong muốn đạt được khi giữ trách nhiệm Chủ tịch ASEAN và Quốc hội đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) trong năm 2010.

Trong các buổi làm việc của đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại New Zealand, hai bên đã trao đổi cởi mở về một số vấn đề liên quan đến kinh nghiệm hoạt động lập pháp, giám sát của Quốc hội; quy trình xây dựng và thông qua các dự án luật; các thiết chế tham gia vào hoạt động lập pháp; quy trình và cách thức thực hiện chất vấn tại Quốc hội; phương thức tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của cử tri...

Bên cạnh đó, hai bên cũng trao đổi về tổ chức bộ máy cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ở mỗi nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục