Châu Á-TBD cần một thị trường nội khu vực mới

Châu Á-Thái Bình Dương cần xây dựng một thị trường nội khu vực để duy trì sự phục hồi kinh tế, thu hẹp khoảng cách và phát triển.
Ngày 19/8, kết thúc Hội nghị bàn tròn cấp cao tại Bangkok, Thái Lan, Liên hợp quốc và Câu lạc bộ Madrid đã nhất trí kêu gọi châu Á-Thái Bình Dương xây dựng một thị trường nội khu vực để duy trì động lực phục hồi kinh tế khu vực thông qua việc thu hẹp khoảng cách và phát triển kết cấu hạ tầng cùng với việc đẩy nhanh tiến trình xoá đói nghèo.

Hội nghị bàn tròn cấp cao, do Liên hợp quốc và Câu lạc bộ Madrid đồng tổ chức với chủ đề: "Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương: Giữ vững động lực châu Á trong thế giới sau khủng hoảng.”

Hội nghị tập trung thảo luận các thách thức mà khu vực đang phải đối mặt để tiếp tục phát huy động lực nhằm thúc đẩy kinh tế thế giới sau khủng hoảng.

Tham dự hội nghị có nhiều cựu tổng thống, cựu thủ tướng, các nhà kinh tế nổi tiếng của khu vực và quốc tế. Câu lạc bộ Madrid là tổ chức độc lập thúc đẩy dân chủ và cải cách trong cộng đồng quốc tế.

Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định sự phục hồi kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương không chỉ vững chắc mà còn có mức tăng trưởng dẫn đầu thế giới.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu không tác động quá bất lợi đối với khu vực này nhờ đã rút ra được các bài học chống khủng hoảng từ cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, đặc biệt là bài học về cải tổ sâu rộng hệ thống ngân hàng. Đây cũng chính là nhân tố quan trọng để châu Á-Thái Bình Dương giữ vững và duy trì đà tăng trưởng.

Các chuyên gia cho rằng nguồn dân số 950 triệu người nghèo trong khu vực có thể là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tiêu dùng trong khu vực nếu các nước thực hiện các chính sách thích hợp để giúp họ nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo.

Khoảng cách lớn về phát triển kết cấu hạ tầng giữa các nước trong khu vực cũng là lĩnh vực đầy tiềm năng để tăng cường đầu tư, cũng như để các nước nhỏ và kém phát triển chia sẻ lợi ích về tăng trưởng với các nước lớn hơn và phát triển hơn trong khu vực.

Tuy nhiên, các cựu quan chức cấp cao và các nhà kinh tế khu vực và quốc tế cũng nhấn mạnh rằng việc thực hiện chương trình nghị sự phát triển dài hạn này không dễ dàng.

Tiến trình mở rộng tiêu dùng trong nước và hoà nhập khu vực đòi hỏi tầm nhìn xa và năng lực lãnh đạo tương xứng của chính phủ các nước châu Á- Thái Bình Dương.

Khu vực này cũng cần phải đóng vai trò tương xứng trong quản lý kinh tế toàn cầu, phù hợp với sức mạnh kinh tế đang tăng lên của khu vực vì đã đến lúc khu vực phải góp phần xây dựng và thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu chứ không chỉ nhận được lợi ích từ đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục