LHQ lo ngại về tình trạng giá lương thực tăng mạnh

Các tổ chức cho rằng giá ngũ cốc hiện đã tăng đến mức có thể kéo nhân loại vào một cuộc khủng hoảng lương thực mang tính toàn cầu.
Ngày 4/9, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) phối hợp với Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) và Chương trình lương thực thế giới (WFP) đã ra tuyên bố chung, bày tỏ lo ngại sâu sắc trước thực trạng giá lương thực lại tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu.

Các tổ chức trên cho rằng giá ngũ cốc hiện đã tăng đến mức có thể kéo nhân loại vào một cuộc khủng hoảng lương thực mang tính toàn cầu, giống như năm 2007-2008, và điều đó đặt ra yêu cầu bức thiết phải phối hợp mọi nỗ lực giữa các tổ chức trên với các quốc gia để kiềm chế tình trạng giá lương thực đang tăng quá nhanh như hiện nay.

Theo các tổ chức trên, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để đạt được mục tiêu này là các nước xuất khẩu lương thực không được”găm hàng," mở rộng mọi kênh xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đồng thời mọi người phải tiết kiệm trong sử dụng lương thực.

Tuyên bố chung cũng cảnh báo tình trạng khan hiếm lương thực sẽ còn kéo dài, và nếu như các quốc gia, cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu lương thực, không sớm có các biện pháp khắc phục, thì chỉ ít tháng nữa thế giới sẽ phải chứng kiến cuộc khủng hoảng lương thực mới làm thiệt hại cho hàng trăm triệu người.

Trong khi đó, các chuyên gia của FAO cho rằng hiện tại, cộng đồng quốc tế cần phải giải quyết đồng thời hai nhiệm vụ, thứ nhất là làm mọi cách để giảm giá lương thực, và thứ hai là phải cải tiến mạnh khâu canh tác, áp dụng tối đa các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất cây trồng, vật nuôi để nâng cao sản lượng lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dân số đang tăng quá nhanh và những tác động bất lợi từ hiện tượng biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp.

Cùng ngày, tổ chức chống nghèo đói Oxfam cũng cho biết trong vòng hai thập kỷ tới, giá lương thực thiết yếu có thể tăng gấp đôi do sự biến đổi khí hậu và tình trạng thời tiết cực đoan như hạn hán và bão lụt ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng ngày càng lớn tới người nghèo.

Dựa trên nghiên cứu mới của Viện nghiên cứu phát triển thuộc trường Đại học Sussex của Anh được Oxfam ủy quyền, tổ chức này ước tính giá ngô xuất khẩu trên thị trường thế giới vào năm 2030 có thể sẽ tăng 177% so với năm 2010, còn giá lúa mỳ sẽ tăng 120% và giá gạo sẽ tăng 107% do những tác động của thời tiết cực đoan, tương tự như hạn hán và nắng nóng từng hoành hành tại Mỹ trong mùa Hè này.

Ngân hàng Thế giới cũng cho biết giá lương thực toàn cầu đã tăng 10% trong tháng Bảy do hạn hán ở Mỹ, trong đó giá ngô tăng 25% và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nữa./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục