Châu Á tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng kinh tế toàn cầu

IMF nhận định châu Á sẽ tiếp tục dẫn đầu sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 2 năm nữa cho dù phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định châu Á sẽ tiếp tục dẫn đầu sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hai năm nữa cho dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Trong báo cáo sáu tháng một lần về triển vọng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương công bố ngày 28/4, IMF nhận định châu Á sẽ tiếp tục dẫn đầu sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hai năm nữa, cho dù khu vực này đang đối mặt với những áp lực tiềm tàng và rủi ro, như lạm phát leo thang, bất ổn tại Trung Đông và hiệu ứng tiêu cực từ thảm hoạ động đất, sóng thần ở Nhật Bản.

Ông Anoop Singh, Giám đốc bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của IMF, nhận xét nhờ xuất khẩu khởi sắc và nhu cầu nội địa mạnh mẽ, kinh tế châu Á sẽ đạt tốc độ tăng trưởng gần 7% trong cả hai năm 2011 và 2012, không thay đổi so với dự báo được đưa ra trong báo cáo hồi tháng 10/2010, sau khi khu vực này ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 8,3% năm 2010.

Theo báo cáo của IMF, tăng trưởng của châu Á sẽ tiếp tục được dẫn dắt bởi đà tăng trưởng GDP mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ.

IMF dự báo kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng lần lượt 9,5% và khoảng 8% trong hai năm 2011 và 2012. Tuy nhiên, thể chế tài chính đa phương toàn cầu này cũng cảnh báo sự nổi lên của các "túi nhiệt quá nóng" trên khắp châu Á, giữa lúc lạm phát giá tiêu dùng đã tăng vọt lên 4,5% trong tháng 2/2011.

Giá dầu mỏ và hàng hóa cao hơn đang bắt đầu đẩy lạm phát lên cao và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến những người nghèo ở châu lục này.

Bên cạnh đó, theo IMF, lãi suất thấp ở nhiều nền kinh tế châu Á cũng đang góp phần làm gia tăng lạm phát trong khu vực.

IMF dự báo lạm phát ở châu Á sẽ tiếp tục tăng trong năm nay trước khi hạ nhiệt ở mức vừa phải trong năm 2012, khi các ngân hàng trung ương trong khu vực tiếp tục các bước đi nhằm thắt chặt các điều kiện kinh tế vĩ mô.

Đầu tuần trước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo rằng giá lương thực leo thang đe dọa đẩy thêm hàng triệu người châu Á vào cảnh nghèo đói và làm giảm 1,5 điểm phần trăm tăng trưởng GDP của khu vực.

IMF cho rằng bất ổn chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi cũng có thể tạo ra rủi ro bằng cách đẩy giá dầu thô lên cao nữa, và điều này sẽ ảnh hưởng bất lợi đối với những nền kinh tế phụ thuộc vào các nguồn dầu mỏ nhập khẩu như Trung Quốc và Nhật Bản.

Một nguy cơ nữa là các nền kinh tế cũng có thể bị ảnh hưởng xấu nếu giá dầu cao dẫn đến sự suy giảm toàn cầu, nhân tố chắc chắn sẽ làm suy yếu nhu cầu của các nước giàu về hàng hóa xuất khẩu từ châu Á.

Trong báo cáo mới nhất, IMF đã hạ dự mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm 2011 xuống còn 1,4%, từ mức dự đoán 1,6% được đưa ra trong báo cáo lần trước, do ảnh hưởng của trận động đất, sóng thần hôm 11/3 và hậu quả của nó là sự cố hạt tại Nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1, gây nên tình trạng thiếu điện trầm trọng tại nước này.

Theo đánh giá sơ bộ của Chính phủ Nhật bản, thảm họa này có thể gây thiệt hại tới 305 tỷ USD cho nền kinh tế Nhật Bản.

IMF cho rằng so với trận động đất Kobe năm 1995, thì thiệt hại kinh tế từ trận động đất vừa qua ở Nhật Bản lớn hơn rất nhiều. Theo IMF, "khả năng xoay xở" để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế của Chính phủ Nhật Bản là rất ít, vì tỷ lệ lãi suất ở nước này hiện đã ở mức gần 0% trong khi nợ công cao ngất ngưởng.

Song, IMF cũng dự đoán nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm 2012, nhờ các khoản chi tiêu khổng lồ cho nỗ lực tái thiết sau thảm họa.

Báo cáo của IMF nhận xét rằng sự đình trệ sản xuất kéo dài ở Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc vào những ngành công nghiệp mà các nhà sản xuất Nhật Bản chiếm ưu thế./.

Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục