UNDP đưa biện pháp phát triển con người bền vững

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã đưa ra khái niệm nền tảng cho một tương lai mới - "Chỉ số Phát triển con người bền vững."
Trong một diễn đàn cấp cao tại Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển bền vững diễn ra ngày 20/6 tại Rio de Janeiro (Brazil), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã đưa ra khái niệm nền tảng cho một tương lai mới - "Chỉ số Phát triển con người bền vững."

"Vốn chủ sở hữu, nhân phẩm, hạnh phúc, bền vững - đây là tất cả các nền tảng cho cuộc sống của chúng ta nhưng lại vắng mặt trong chỉ số GDP. Do đó, chỉ số về phát triển bền vững của con người cần phải được định nghĩa và đo lường một cách thấu đáo hơn trong quá trình phát triển chung của xã hội," Tổng giám đốc của UNDP - bà Helen Clark cho biết.

Các dự án đo lường tính bền vững trong Báo cáo Phát triển con người của UNDP cho thấy Chỉ số Phát triển con người (HDI) trong 20 năm qua đã được công nhận như là một thước đo về phát triển xã hội, bên cạnh GDP. Tuy nhiên, UNDP cũng nhấn mạnh rằng trong bối cảnh mới, "cộng đồng quốc tế nhận định sự cần thiết xây dựng và phát triển một chỉ số phát triển bền vững mới, bên cạnh GDP."

Khởi động cho sáng kiến này, vào đầu năm nay, văn phòng thống kê của Liên hợp quốc và các đối tác cũng đã đưa ra những thu thập về hệ sinh thái, chỉ số hòa nhập… kết hợp các yếu tố môi trường vào đánh giá về sự tiến bộ của mỗi quốc gia và toàn cầu. Và ngay tại diễn đàn Rio+20 lần này, các khuyến nghị được nhắc lại cùng với sự tham gia thảo luận của các thành viên Liên hợp quốc.

Khalid Malik, Giám đốc Văn phòng Báo cáo Phát triển con người của UNDP, cho hay sáng kiến này sẽ xem xét những lợi thế cũng như những thách thức trong việc đo lường tính bền vững dựa trên con người, quan điểm phát triển con người. Khung khái niệm cho đánh giá tính bền vững dựa trên HDI phản ánh khái niệm phát triển con người công bằng giữa các thế hệ, dựa trên các nguyên tắc của công lý toàn cầu và bắt nguồn từ tiền đề: Sự lựa chọn thực hiện ngày hôm nay không nên giới hạn sự lựa chọn có sẵn cho các thế hệ tương lai.

“Với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, HDI dựa trên đánh giá tính bền vững cũng như kết hợp các tiêu chí khác, cho thấy biến đổi khí hậu đã đưa đến những rủi ro nghiêm trọng và dài hạn đe dọa sự phát triển của con người, nhất là ở các quốc gia nghèo và cộng đồng nghèo,” ông Khalid Malik nhấn mạnh.

Mối quan tâm về phát triển con người bền vững đã được nhấn mạnh trong Báo cáo Phát triển con người của UNDP hai thập kỷ qua. Báo cáo năm 1994 nói rõ nguyên tắc cơ bản của UNDP phát triển con người bền vững: "Mục đích của phát triển là để tạo ra một môi trường mà trong đó tất cả mọi người có thể mở rộng khả năng của mình, và cơ hội có thể được mở rộng cho cả thế hệ hiện tại và tương lai."

"UNDP tin rằng chỉ số phát triển con người có thể là một điểm khởi đầu cho một biện pháp toàn diện về phát triển bền vững," Tổng giám đốc UNDP Helen Clark nói, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu thêm và tham vấn với các chính phủ, xã hội dân sự và các chuyên gia học thuật trong lĩnh vực này, cùng với sự hợp tác của các cơ quan khác từ Liên hợp quốc cũng như các tổ chức đa phương.

HDI được khởi xướng bởi chuyên gia kinh tế người Pakistan Mahbub ul-Haq và cộng sự Amartya Sen, người đoạt giải Nobel kinh tế của Ấn Độ - là chỉ số đánh giá sự phát triển của con người dựa trên sự tiến bộ của y tế và giáo dục, ngang bằng với tăng trưởng kinh tế. Từ năm 1990, bảng xếp hạng HDI hàng năm của Báo cáo Phát triển con người của UNDP đã được ấn hành rộng rãi trên khắp thế giới. HDI cũng đã được áp dụng cho việc lập kế hoạch cấp quốc gia và địa phương ở nhiều quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Mexico, Morocco và Philippines.

Theo báo cáo quốc gia về phát triển con người năm 2011 của UNDP, HDI của Việt Nam là 0,728 - tăng 11,8% so với năm 2001. Việt Nam đứng trong nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình và xếp thứ 128 trên 187 nước được khảo sát. Trong khu vực, HDI của Việt Nam vẫn thấp hơn HDI của các nước Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, chỉ cao hơn Campuchia và Lào. 
Mỹ Bình/Rio de Janeiro (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục