Serbia ra nghị quyết về vụ thảm sát ở Srebrenica

Quốc hội Cộng hòa Serbia vừa ra nghị quyết lên án vụ quân đội Serbia đã giết hại 8.000 người Hồi giáo Bosnia tháng 7/1995.
Với 124 nghị sĩ ủng hộ trong số 173 nghị sĩ tham gia cuộc bỏ phiếu ngày 30/3, Quốc hội Cộng hòa Serbia đã thông qua nghị quyết lên án vụ quân đội Serbia trong thành phần Bosnia-Herzegovina giết hại 8.000 người Hồi giáo Bosnia tháng 7/1995 là hành động thảm sát, nhưng không coi đây là tội diệt chủng.

Nghị quyết nêu rõ Quốc hội Serbia lên án mạnh mẽ tội ác mà quân đội Serbia trong thành phần Bosnia-Herzegovina gây ra năm 1995, như đã được xác định theo phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).

Trong văn bản này, Quốc hội Serbia cam kết tiếp tục hợp tác với Tòa án quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh ở Nam Tư cũ (ICTY). Các nghị sĩ cũng ngỏ lời chia buồn và xin lỗi gia đình các nạn nhân vì đã không hành động để ngăn chặn thảm họa này.

Vụ thảm sát trên, xảy ra ở thị trấn Srebrenica, phía Đông Bosnia-Herzegovina, là tình tiết duy nhất trong cuộc nội chiến đẫm máu ở Bosnia năm 1992-1995 bị ICJ và ICTY coi là tội diệt chủng.

Hiện ICTY đang xét xử cựu Tổng thống Cộng hòa Serbia trong thành phần Bosnia-Herzegovina Radovan Karadzic với cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm chính trong vụ thảm sát này. Tuy nhiên, trong phán quyết của mình, các thẩm phán ICJ không qui trách nhiệm cho Serbia mà chỉ khẳng định Belgrade đã không làm gì để ngăn chặn vụ thảm sát này.

Liên minh cầm quyền ở Serbia thừa nhận việc thông qua nghị quyết trên là một quyết định khó khăn, giúp chấm dứt nhiều năm chính giới Serbia bác bỏ vụ giết người hàng loạt này là hành động thảm sát, đồng thời là sự khởi đầu trong tiến trình lâu dài và phức tạp nhằm đánh giá lại lịch sử.

Theo các nhà quan sát, việc nghị quyết tránh dùng từ diệt chủng và được thông qua sau các cuộc thảo luận gay gắt cho thấy Serbia quyết tâm thực hiện mục tiêu giành quy chế thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong năm tới. EU coi hợp tác đầy đủ với ICTY là điều kiện tiên quyết đối với các nước ứng viên và rất coi trọng sự hòa giải trong khu vực Balkan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục