Các giải pháp của chính phủ giúp VND "lên ngôi"

Sau hàng loạt giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đối với ngoại tệ và vàng, không chỉ các chuyên gia kinh tế lạc quan mà người dân cũng  đang dần lấy lại niềm tin vào VND. Nếu như trước đây còn băn khoăn giữa hai phương án: Giữ USD hoặc mua vàng, thì nay nhiều người lựa chọn nắm giữ VND.
Sau hàng loạt giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đối với ngoại tệ và vàng, không chỉ các chuyên gia kinh tế lạc quan mà người dân cũng  đang dần lấy lại niềm tin vào VND. Nếu như trước đây còn băn khoăn giữa hai phương án: Giữ USD hoặc mua vàng, thì nay nhiều người lựa chọn nắm giữ VND.

Sáng 16/4, chị Nguyễn Thị Hiền ở phường Bồ Đề, Long Biên đem 10.000 USD là tiền chị chồng vừa được trả nợ đến một phòng giao dịch trên phố Nguyễn Văn Cừ để gửi tiết kiêm. Chị Hiền đang định gửi tiết kiệm bằng USD thì nhân viên giao dịch đã tư vấn cho chị rằng hiện nay gửi tiết kiệm bằng USD lãi suất rất thấp chỉ 3%, trong khi gửi tiết kiệm bằng VND là 14%.

Không còn do dự, chị Hiền đã quyết định chuyển đổi 10.000 USD được 209,2 triệu đồng và gửi vào ngân hàng. Như vậy, mỗi tháng chị có khoản lãi 2,5 trệu đồng, gấp 5 lần so với số thu được từ gửi bằng USD.

Không chỉ riêng chị Hiền, hiện nhiều người đang có USD gửi tại các ngân hàng nhưng chưa đến ngày đáo hạn cũng cho biết sẽ bán USD gửi tiết kiệm VND để hưởng lãi suất cao hơn.

Chị Lê Hải Yến hiện đang có 18.000 USD đang gửi tại Vietcombank với lãi suất là 5,5%/năm, còn gần một tháng nữa mới đến ngày đáo hạn. Chị Yến cho biết, số tiền trên của chị cũng không đầu tư được vào việc gì lớn nên chị sẽ bán USD cho ngân hàng và chuyển sang gửi tiết kiệm bằng VND.

“Tôi thấy hiện tỷ giá cũng đã ổn định, bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang nghiêm cấm các giao dịch bằng USD, sau này những giao dịch bằng USD như mua nhà, ôtô chắc sẽ hạn chế, nên tôi nghĩ không cần phải giữ USD để làm gì,” chị Yến cho biết.

Thực tế mấy ngày qua, một số khách hàng cá nhân đã đến ngân hàng rút USD bán lấy VND gửi vào ngân hàng lấy lãi suất cao, một số ngân hàng phải tăng người làm để thanh toán vốn tiết kiệm cho khách hàng. Để giảm thiểu rủi ro dòng tiền chuyển biến mạnh, một số ngân hàng đã thiết kế ra những sản phảm chuyển đổi từ USD sang tiết kiệm VND để giữ chân khách hàng.

Bà Cao Thị Thúy, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) cho biết, nếu như đầu năm lượng tiền gửi VND vào MB sụt giảm, thì trong khoảng 1 tháng trở lại đây huy động vốn bằng VND tăng mạnh. Đến thời điểm này, lượng tiền gửi bằng VND tại MB tăng 10% so với đầu năm.

Có thể lý giải động thái trên xuất phát từ việc mua, bán ngoại tệ và vàng miếng trên thị trường tự do không còn dễ dàng như trước sau khi Nghị quyết 11 của Chính phủ được ban hành. Và người dân quay về tiết kiệm tiền đồng như một giải pháp vừa đảm bảo tuyệt đối an toàn tài sản lại vừa được hưởng lãi suất cao.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á cho biết, hiện nay nếu doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ sẽ bị lỗ vì lãi suất tiền gửi đôla thấp trong khi tỷ giá đã ổn định trở lại. Nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận bán lại ngoại tệ cho ngân hàng.

Một một giám đốc chi nhánh của ngân hàng cổ phần tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiết lộ, một số người gửi ngoại tệ tại chi nhánh này đã chuyển sang gửi tiền đồng. Lượng tiền gửi bằng Việt Nam đồng tăng khoảng 10% so với trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 09/2011/TT-NHNN.

"Nếu thời gian tới, lượng tiền đồng đổ về ngân hàng tiếp tục tăng thì khả năng lãi suất cho vay giảm là điều tất yếu," ông này nhận định.

Có thể còn một số người còn ít nhiều nấn ná trước khi chuyển đổi bởi lo ngại tỷ giá VND/USD biến động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các biện pháp quản lý thị trường ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước đã và đang phát huy tác dụng, tỷ giá bắt đầu ổn định, tình trạng thu gom, găm giữ USD đã giảm dần. Biểu hiện rõ nhất là tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do đã giảm 1.400 đồng/USD, từ đỉnh 22.400 đồng/USD (cuối tháng 2/2011) xuống còn 21.000 đồng/USD (ngày 13/4).

Chính bởi vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, việc ấn định lãi suất USD ở mức không quá 3% đối với tất cả các khoản tiền gửi cá nhân sẽ hạn chế được tình trạng găm giữ ngoại tệ, cũng như làm tăng tính hấp dẫn cho tiết kiệm VND.

Nhiều chuyên gia cũng dự báo, sẽ có một lượng vốn tiền đồng chảy vào ngân hàng trong quý II tạo giá thành đồng vốn rẻ hơn, là điều kiện tốt giảm lãi suất cho vay vốn VND vào khoảng đầu quý III./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục