Ai Cập: Giai đoạn chuyển tiếp rơi vào khủng hoảng

Từng được xem như là người bảo vệ cuộc cách mạng ở Ai Cập, nhưng giờ đây quân đội nước này trở thành một gánh nặng với cuộc cách mạng.
Các nhà phân tích nhấn mạnh, quân đội Ai Cập, bị tất cả các lực lượng chính trị chỉ trích gay gắt, hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak bị sụp đổ hồi tháng Hai.

Cuộc khủng hoảng nổ ra khi chỉ chỉ còn một tuần nữa là diễn ra các cuộc bầu cử quốc hội quan trọng.

Với nhiệm vụ đưa đất nước đi vào con đường dân chủ hóa, Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (CSFA), hiện đang nắm quyền điều hành đất nước, bị cáo buộc muốn duy trì quyền lực và kéo dài mãi hệ thống đàn áp còn tồn tại từ thời cựu Tổng thống Mubarak.

Trong bài xã luận được đăng trên nhật báo độc lập, al-Chorouq, nhà báo Fahmi Howeidi viết: "CSFA đã từng được xem như là người bảo vệ cho cuộc cách mạng, nhưng giờ đã trở thành một gánh nặng đối với cuộc cách mạng."

Về phần mình, bà Névine Mossaad, Giáo sư khoa học chính trị của Đại học tổng hợp Cairo, cho rằng đó là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ 10 tháng qua, vì nó nhằm trực tiếp vào quân đội và người đứng đầu CSFA, Nguyên soái Hussein Tantaoui.

Một dấu hiệu cho sự bất ổn này là việc Bộ trưởng Văn hóa Emad Abu Ghaz đã trình đơn từ chức lên CSFA để "phản đối cách xử lý biểu tình của chính phủ."

Tổng thư ký Liên đoàn Arập (AL) Nabil al-Arabi cũng đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc và đã kêu gọi bảo vệ tiến trình dân chủ nhằm thúc đẩy sự thay đổi dân chủ phù hợp với những ý tưởng của cuộc cách mạng hồi đầu năm.

Tình hình rối loạn này cũng càng làm trầm trọng thêm bầu không khí chuẩn bị cho các cuộc bầu cử quốc hội dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 28/11 tới.

Bà Mossaad cho rằng, các cuộc bầu cử này nếu vẫn được tổ chức vào tuần tới sẽ diễn ra trong một tình cảnh thảm họa.

Còn theo nhà chính trị học Moustafa Kamel Sayed, sự thống nhất chính trị về sự hỗ trợ của quân đội sau sự sụp đổ của chế độ cũ đã bị vỡ vụn ra từng mảnh dù đó là lực lượng Anh em Hồi giáo hay các lực lượng thế tục, tự do hay cánh tả.

Ông Sayed nói: "Hội đồng quân sự đang phải đối mặt với sự phản đối của tất cả các lực lượng đã tham gia cách mạng."  

Nhiều nhân sỹ trong đó có cựu Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế Mohamed ElBaradei đã một lần nữa kêu gọi một chính phủ cứu quốc.

Những người này đã hối thúc quân đội xem lại kế hoạch để soạn thảo một lịch trình chính xác cho việc chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự, nhất là tổ chức bầu cử tổng thống trước khi bầu cử quốc hội.

Tuy nhiên, Tổ chức Anh em Hồi giáo, phê phán kịch liệt chính quyền quân sự, phản đối hoãn bầu cử quốc hội mà theo dự báo họ sẽ giành được thắng lợi.

Đáp lại những chỉ trích trên, CSFA đã tái khẳng định cam kết trao lại quyền lực cho một chính phủ dân sự được chọn lựa một cách dân chủ, khi Tổng thống được bầu, nhưng cho đến lúc này thời điểm bầu cử tổng thống vẫn chưa được ấn định.

CSFA nhấn mạnh bầu cử quốc hội như dự kiến diễn ra vào tuần tới là giai đoạn đầu tiên của tiến trình này và sẽ không có chuyện hoãn bầu cử. Việc quân đội nắm quyền lúc đầu được nhân dân hoan nghênh nhiệt liệt vì quân đội đã cam kết không trấn áp các cuộc biểu tình chống chế độ của cựu Tổng thống Mubarak và từng được xem như là người bảo vệ tốt nhất để tiến trình dân chủ hóa đi đúng quỹ đạo. Nhưng gần 10 tháng sau, tuần trăng mật có vẻ như đã không còn khi mà khủng hoảng kinh tế và chậm, thậm chí là không cải cách chính trị như đã cam kết.

Bà Mossaad nhấn mạnh: "Quân đội đang hành động cảm tính cứ như là lật đổ Tổng thống Mubarak chỉ là một cuộc đảo chính và không phải là một cuộc cách mạng"./.

Thanh Bình/Cairo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục