Lệnh trừng phạt mới

EU áp đặt lệnh trừng phạt tài chính mới với Syria

EU ngày 28/11 đã nhất trí áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt tài chính mới đối với Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/11 đã nhất trí áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt tài chính mới đối với Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad với lý do chính phủ nước này vẫn chưa chấm dứt việc trấn áp người biểu tình.

 

Theo nguồn tin ngoại giao EU, các biện pháp trừng phạt mới bao gồm lệnh cấm hỗ trợ tài chính dài hạn cho thương mại, ngoại trừ thực phẩm và thuốc men, cũng như các khoản cho vay dành cho Chính phủ Syria, kể cả song phương lẫn thông qua các thể chế tài chính quốc tế.

 

Theo gói biện pháp trừng phạt mới, dự kiến được các ngoại trưởng EU chính thức thông qua vào ngày 1/12 tới, các công ty EU cũng sẽ bị nghiêm cấm giao dịch với khu vực tài chính công của Syria; xuất khẩu các trang thiết bị cho ngành công nghiệp dầu khí của Syria; các ngân hàng từ Syria bị cấm mở chi nhánh ở các nước EU hoặc đầu tư vào các ngân hàng châu Âu; 12 cá nhân và ít nhất 11 thực thể bị liệt vào danh sách các cá nhân, thực thể và công ty bị EU phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh.

 

Những biện pháp này được coi là nhằm ngăn chặn Chính phủ Syria tiếp cận các dòng tài chính. Những biện pháp trừng phạt tiếp theo mà EU có thể áp đặt đối với Syria sẽ nhằm vào lĩnh vực internet và truyền thông.

 

Trước đó, ngày 27/11, Liên đoàn Arập (AL) cũng đã thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Syria.

 

Cùng ngày, Tổng Thư ký AL Nabil Elaraby đã hối thúc Damas ký kế hoạch do các nước Arập đề xuất liên quan tới việc cử quan sát viên tới Syria, đồng thời nêu rõ điều đó sẽ dẫn đến việc xem xét lại các biện pháp trừng phạt cũng như các chế tài khác áp đặt đối với Chính phủ của Tổng thống Assad. Trong thư gửi Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem, ông Elaraby nêu rõ việc ký thỏa thuận trên sẽ dẫn đến "việc xem xét lại tất cả các biện pháp mà AL đã áp đặt."

 

Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng cuộc khủng hoảng Syria nên được giải quyết trong khuôn khổ của AL vì "điều này phù hợp với lợi ích chung của Syria, các nước Arập và cộng đồng quốc tế." Bắc Kinh hy vọng AL và Syria có thể tăng cường liên lạc và hợp tác để giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan phù hợp với những lợi ích cơ bản của nhân dân Syria.

 

Trong diễn biến liên quan, hàng chục nghìn người Syria ngày 28/11 đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối AL trên quy mô lớn để bảy tỏ sự bất mãn với các biện pháp trừng phạt kinh tế mà tổ chức này áp đặt đối với Damas./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục