Năm lý do chính làm thị trường việc làm Mỹ suy yếu

Kinh tế Mỹ không tăng trưởng đủ mạnh để tốc độ tạo việc làm mới được đẩy nhanh là một lý do khiến thị trường việc làm Mỹ suy yếu.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng số liệu đáng thất vọng của thị trường việc làm Mỹ trong tháng 3/2012 đơn giản chỉ là một sự sơ sẩy.

Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu đánh giá trên là sai lầm và liệu việc số việc làm mới tại Mỹ sụt giảm có phải là điềm báo xấu?

Ngày 6/4, Bộ Lao động Mỹ thông báo trong tháng 3/2012, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tạo thêm 120.000 việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2011, so với con số mà các nhà kinh tế dự báo là gần 210.000 việc làm và mức trung bình trong ba tháng 12/2011-2/2012 là 245.000 việc làm.

Các chuyên gia kinh tế lập tức đã đưa ra lập luận rằng bởi vì thời tiết năm nay ấm lên sớm hơn thường lệ ngay từ tháng Một và tháng Hai, nên các công ty xây dựng và chủ doanh nghiệp cũng tuyển dụng thêm lao động sớm hơn mọi năm và kết quả là sau đợt tuyển dụng lao động ồ ạt trong hai tháng đầu năm 2012, thị trường lao động bất ngờ chững lại trong tháng 3/2012.

Một số chuyên gia đang trông chờ tăng trưởng việc làm Mỹ quay trở lại trong tháng Tư, song vẫn còn nhiều lý do để lo lắng về thị trường lao động Mỹ, trong đó có năm lý do chủ chốt.

Thứ nhất là do kinh tế Mỹ không tăng trưởng đủ mạnh để tốc độ tạo việc làm mới có thể được đẩy nhanh hơn. Kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm nay, tương đương với khoảng 140.000 việc làm được tạo mới mỗi tháng.

Thứ hai là việc giá xăng tại Mỹ đã tăng 65 xu từ đầu năm đến nay lên mức trung bình 3,93 USD/gallon (3,78 lít) trên toàn nước Mỹ. Người tiêu dùng đóng góp khoảng 70% vào hoạt động kinh tế Mỹ. Vì vậy, chi tiêu tiêu dùng đóng vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế và việc làm tại Mỹ.

Thứ ba là thu nhập giảm sút. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, thu nhập của người lao động Mỹ điều chỉnh theo lạm phát trong tháng 2/2012 lại thấp hơn 1% so với trước đó một năm. Điều này đồng nghĩa với người tiêu dùng phải dè sẻn trong chi tiêu, nếu không sẽ phải đi vay.

Thứ tư là thị trường việc làm thiếu vững vàng. Kinh tế Mỹ tạo thêm gần 1,9 triệu việc làm trong năm ngoái và tỷ lệ thất nghiệp tại đây kể từ tháng 8/2011 đến tháng nay đã giảm từ 9,1% xuống 8,2%. Tuy nhiên, thị trường việc làm Mỹ không đủ sức để củng cố thêm nữa khi mà tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1984.

Thứ năm là quá khó để lấy lại những gì đã mất. Kinh tế Mỹ còn cả một quãng đường dài trước mặt để có thể khôi phục lại toàn bộ việc làm đã mất trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua và cả thời gian sau đó. Kể từ tháng 1/2008 đến tháng 2/2010, Mỹ đã mất 8,8 triệu việc làm và hiện mới chỉ 40% được khôi phục.

Các nhà đầu tư đã cảm thấy lo lắng về thị trường lao động Mỹ. Bằng chứng là chỉ số công nghiệp Dow Jones tại Phố Wall đã giảm 131 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần như là phản ứng đầu tiên sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu việc làm./.

Trang Nhung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục