Gần 500ha lúa ở Lâm Đồng không thể xuống giống

Những trạm bơm chính dọc theo sông Đồng Nai đang “treo vòi,” hàng trăm hecta lúa Hè Thu không thể xuống giống vì không có nước...
Những trạm bơm chính dọc theo sông Đồng Nai đang “treo vòi,” hàng trăm hecta lúa Hè Thu không thể xuống giống vì không có nước... Đó là chuyện đang diễn ra ở vùng rốn lũ Cát Tiên - một vùng đất trũng và cũng là vùng sản xuất lúa tập trung của Lâm Đồng.

Sông cạn, đồng khát

Là con sông lớn nhất cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt... ở khu vực Nam Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ, thế nhưng những ngày qua khu vực thượng nguồn chảy qua địa bàn huyện Cát Tiên ở Lâm Đồng mực nước xuống rất thấp. Một số đoạn sông, dòng chảy chỉ chiếm một phần nhỏ lòng sông và phần còn lại trở thành “sân đá bóng” của trẻ con. Nhiều người dân sống dọc theo sông cho biết so với những năm gần đây, năm nay sông bị cạn nhiều nhất và kéo dài nhất, chưa biết đến lúc nào mới có lại nước nếu trời không mưa.

Nằm dọc theo sông Đồng Nai, Cát Tiên là một vùng trũng sản xuất lúa lớn nhờ vào nguồn nước tự nhiên của con sông này. Không tính đến các máy bơm nhỏ do người dân tự bơm để sản xuất thì trên địa bàn huyện hiện có 4 trạm bơm lớn được xây dựng ở 4 xã để lấy nước từ sông Đồng Nai vào nội đồng phục vụ sản xuất, đó là Phước Cát 1, Phù Mỹ, Đức Phổ và trạm bơm Quảng Ngãi. Thế nhưng hiện nay cả 4 trạm bơm này đều bị “phơi vòi” do nước sông đã xuống dưới mực nước thiết kế tối thiểu của các trạm bơm hơn một mét.

Sông cạn nước, trạm bơm không hoạt động được nên hàng trăm hecta ruộng đã vào vụ từ lâu nhưng không thể nào xuống giống được. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cát Tiên, qua khảo sát nhanh cho thấy hiện có khoảng 500ha ruộng cần xuống giống cho vụ Hè Thu không có nước để xuống giống trong khi thời điểm xuống giống theo đúng lịch từ ngày 8/3 vừa qua.

Sông Đồng Nai cạn kiệt, ruộng đồng không có nước là do Nhà máy thủy điện Đồng Nai 4 tích nước để phục vụ vận hành nhà máy này. Đó là khẳng định chắc chắn của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng. Và cũng chính vì xác định rõ nguyên nhân gây nên cạn kiệt sông Đồng Nai, thiếu nước sản xuất vụ Hè Thu cho khoảng 500ha lúa mà Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Công ty cổ phần thủy điện Đồng Nai (đơn vị chủ quản của thủy điện Đồng Nai 4) yêu cầu Công ty điều tiết nước về hạ lưu với mức đảm bảo về lưu lượng, tổng lượng và mực nước để nông dân có nước sản xuất.

Giải pháp tình thế và những điều cần làm rõ

Do không có nước nên thiệt hại của nông dân trong sản xuất là điều khó có thể phủ nhận. Đó là chưa nói đến những ảnh hưởng xấu, thậm chí là thiệt hại khác như nhiều hộ dân sống dọc theo sông giếng không còn nước để sinh hoạt, môi trường sinh thái bị tác động xấu, nhiều diện tích cây trồng khác ngoài lúa “sống nhờ” vào sông Đồng Nai cũng lao đao...

Làm gì để sông Đồng Nai có nước trở lại và nông dân có nước để sản xuất? Câu trả lời đã được Lãnh đạo Công ty ty cổ phần thủy điện Đồng Nai chuyển cho huyện Cát Tiên là “Cố gắng chờ. Đến ngày 1/4 tới đây, nhà máy thủy điện Đồng Nai 4 vận hành tua bin thì sẽ có nước.”

Và để “đủ sức” chờ đến ngày theo lời hứa đó, địa phương đang vận động nông dân cố gắng tận dụng triệt để các nguồn nước từ các ao hồ nhỏ (như các đập bổi, các khe có mạnh nước ngầm...) để sản xuất. Nơi nào hoàn toàn không có nước, sẽ điều chỉnh lịch thời vụ nếu như Công ty cổ phần thủy điện Đồng Nai xả nước chạy tua bin như đã hứa. Còn vì một lý do nào đó, thủy điện không xả nước được thì coi như gần 500ha đất sản xuất vụ lúa Hè Thu ở huyện nghèo này phải bị bỏ hoang.

Sông Đồng Nai cạn kiệt vì bị thủy điện chặn dòng. Điều này ai cũng rõ nhưng làm gì để đảm bảo lợi ích chung cho mọi đối tượng được thụ hưởng các nguồn lợi từ dòng sông này mang lại như từ bao đời qua, trực tiếp là những nông dân ở Cát Tiên, thì dường như chưa thấy nói đến. Việc lùi lại lịch thời vụ hơn một tháng (nếu như Công ty cổ phần thủy điện Đồng Nai giữ đúng lời hứa xả nước chạy tuabin) sẽ làm ảnh hưởng xấu đến mùa vụ, đặc biệt là nguy cơ mất mùa rất lớn do lũ tràn về khi mùa vụ trễ một tháng.

Nếu mất mùa do trễ thời vụ này, ai chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân? Việc thủy điện Đồng Nai 4 chặn dòng như thế có phải hoàn toàn vì lợi ích cục bộ phát triển kinh tế của đơn vị mình mà xem nhẹ những thiệt hại từ việc chặn dòng gây ra?

Công ty cổ phần thủy điện Đồng Nai cũng là đơn vị chủ quản của Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3. Việc chặn dòng hồ chứa cho thủy điện Đồng Nai 3 đã nhấn chìm gần 20km Quốc lộ 28 và hàng trăm hecta đất đai của nông dân chưa được đo đạc, đền bù khiến cho tỉnh Lâm Đồng gặp rất nhiều khó khăn khi phải lo “đường đi vòng” cho đoạn quốc lộ bị nhấn chìm, lo đất đai cho dân tái định canh, tái định cư.

Thiết nghĩ, việc tạo các nguồn điện cho đất nước là rất cần thiết, tuy nhiên các đơn vị chủ quản các nhà máy thủy điện cũng cần phải “cân đối hài hòa lợi ích” chung chứ không thể vì lợi ích cục bộ mà gây khó khăn cho chính quyền sở tại, thiệt hại cho người dân các địa phương./.

Phan Văn Đông (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục