Chuyên gia LHQ: VN coi trọng sức khỏe người dân

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ khẳng định, Chính phủ VN rất coi trọng các vấn đề liên quan đến quyền được chăm sóc sức khỏe của dân.
Chiều 5/12, tại Hà Nội, cung cấp một số kết quả về chuyến công tác tới Việt Nam (từ ngày 25/11-5/12) nhằm tìm hiểu thông tin thực tế, báo cáo viên Đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền được chăm sóc sức khỏe, ông Anand Grover khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất nghiêm túc coi trọng các vấn đề liên quan đến quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân.

Ô ng Anand Grover đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn trong công tác giảm nghèo, giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu người trong vòng hai thập kỷ vừa qua. Việt Nam đã đạt vượt mức chi tiêu đề ra trong Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là giảm một nửa tỉ lệ người dân có mức thu nhập dưới 1 USD/ngày. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được phân bổ đồng đều hơn so với nhiều quốc gia láng giềng trong khu vực cũng như các quốc gia khác trên thế giới.

Ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong vòng hai thập kỷ vừa qua nhằm cải thiện hệ thống y tế nói chung, cũng như cam kết của Việt Nam nhằm đảm bảo tất cả mọi người dân đều được tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe, ông Anand Grover cho rằng, một hệ thống chăm sóc sức khỏe hoạt động tốt là cơ sở cho việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe và các số liệu cho thấy ở Việt Nam đã có những tiến bộ đáng ngưỡng mộ trong nhiều lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trọng yếu, trong đó có sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết đáng hoan nghênh trong việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người. Ví dụ, Quốc hội đã ban hành một nghị quyết nhằm đảm bảo mức tăng trưởng chi tiêu công cho lĩnh vực y tế luôn cao hơn mức tăng trưởng chung của chi tiêu ngân sách nhà nước.

Chia sẻ những nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam thực hiện tạo nguồn lực cho lĩnh vực y tế, ông Anand Grover đã có những khuyến cáo đối với Chính phủ Việt Nam khi thực hiện một số chiến lược ban hành trái phiếu Chính phủ và khuyến khích đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư tư nhân trong nước, trong đó có đầu tư qua mô hình hợp tác công-tư (PPP), trong lĩnh vực y tế; thực hiện phân cấp quản lý hệ thống y tế và các cơ chế tài chính cho lĩnh vực y tế, nên các cơ sở y tế ở cấp tỉnh và cấp huyện đã có quyền tự chủ lớn hơn, bên cạnh các yếu tố khác, trong việc tạo nguồn thu.

Điều này có khả năng dẫn đến việc chi phí cho các hàng hóa và dịch vụ y tế sẽ tăng lên, do đó làm hạn chế hơn khả năng tiếp cận của những đối tượng nghèo và cận nghèo. Vấn đề này, cộng với tỉ lệ lạm phát cao, không những làm nghiêm trọng thêm tình hình mà còn đe dọa tính sẵn có và khả năng tiếp cận các hàng hóa và dịch vụ y tế đối với những người không có khả năng chi trả, do đó cản trở việc thực hiện đầy đủ quyền được chăm sóc sức khỏe.

Để đảm bảo đủ chi tiêu công cho các dịch vụ y tế ở các cấp tỉnh, huyện và cấp cơ sở, ông Anand Grover khuyến khích Chính phủ xem xét các cơ chế tạo nguồn thu thay thế, ví dụ như áp dụng thuế lũy tiến.

Chính phủ đang xem xét áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và tăng mức đóng bảo hiểm xã hội từ 4,5% đến 6%, và một phần thuế thu được sẽ dành để chi tiêu trong lĩnh vực y tế công. Cam kết của Việt Nam trong việc giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương khác là rất đáng ngưỡng mộ. Chính phủ đã đề ra một số sáng kiến nhằm giải quyết các mối quan ngại này.

Sau chuyến công tác này, ông sẽ xây dựng một báo cáo riêng về Việt Nam để trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào tháng 6/2012./.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục