TPP - Nền tảng của một khối thương mại hợp nhất

Thủ tướng John Key, cho rằng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương có tiềm năng trở thành nền tảng của 1 khối thương mại hợp nhất.
Thủ tướng New Zealand John Key, cho rằng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà 9 quốc gia gồm Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Australia, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đang thương lượng có tiềm năng trở thành nền tảng của một khối thương mại khu vực hợp nhất nối liền châu Á, vùng Australasia và châu Mỹ.

Ông John Key nói trong khi Vòng đàm phán Doha vẫn đang bế tắc, TPP có thể mang lại nhiều giá trị hơn trên cơ sở hiện đại hóa các quy định thương mại xuyên suốt một chương trình nghị sự rộng lớn trong một khu vực vốn đã trở thành động lực của sự tăng trưởng thương mại-kinh tế toàn cầu.

Mặc dù thừa nhận TPP có thể sẽ không được ký kết bên lề Hội nghị cấp cao APEC ở Mỹ vào tháng 11 tới, song ông kêu gọi có một tuyên bố mạnh mẽ hay ít nhất là một dạng đồng thuận nào đó để chứng tỏ tiến trình đàm phán TPP đang đi đúng hướng.

Ông John Key cho biết, các nhà xuất khẩu New Zealand cũng như các đối tác Mỹ rất mong muốn TPP sẽ nhanh chóng mang lại những tác động tích cực về mặt thương mại. TPP là một cơ hội để Mỹ và New Zealand mở rộng hợp tác trong lĩnh vực thương mại, mở ra cơ hội thành công cho các nhà xuất khẩu của cả hai nước. New Zealand quyết tâm tối đa hóa những cơ hội tiềm năng mà TPP mang lại để có thể đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.

Châu Á-Thái Bình Dương sẽ là khu vực mà tăng trưởng kinh tế sẽ ngự trị trong vòng 1-2 thập niên tới. TPP là một cửa ngõ cho sự tham gia ngày càng tăng của Mỹ ở châu Á, đồng thời là một bàn đạp cho những hiệp định thương mại rộng lớn và có ảnh hưởng sâu rộng hơn.

Ông John Key cho rằng triển vọng về một khối thương mại rộng lớn mà TPP mở ra sẽ đặt ra sức ép cải cách đối với những nền kinh tế lớn như Nhật Bản, nước vốn từ lâu kiên quyết bảo vệ lĩnh vực nông nghiệp, trong khi New Zealand là nước xuất khẩu thực phẩm chủ chốt.

Theo ông, phía Nhật Bản cũng đã nhận thấy những vấn đề trong nước mà họ đang đối mặt, khi nền kinh tế gần như không tăng trưởng trong 20 năm. Mặc dù dự định tham gia đàm phán TPP vào tháng 6/2011, song Nhật Bản đã trì hoãn đưa ra quyết định để tập trung phục hồi nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề sau động đất.

Thủ tướng John Key có chuyến thăm Mỹ 5 ngày bắt đầu từ ngày 18/7 và theo kế hoạch, thương mại sẽ là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự giữa ông và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng vào ngày 22/7.

Tuy nhiên, các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo này sẽ không đi sâu vào những chi tiết như lo ngại của New Zealand về công ty dược phẩm Pharmac trước sự cạnh tranh của các công ty dược phẩm Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Obama cũng đang bận rộn thương lượng với đảng Cộng hòa về việc tăng mức trần nợ của Chính phủ Mỹ.

Các cuộc thương lượng về TPP bắt đầu ở thành phố Melbourne của Australia hồi năm ngoái, với mục tiêu mở rộng một thỏa thuận trước đó giữa New Zealand, Brunei, Chile và Singapore (Nhóm P4) thành một hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương.

Chín nước tham gia đàm phán TPP, gồm Nhóm P4 cùng Australia, Peru, Malaysia, Mỹ và Việt Nam, có tổng GDP là 16.000 tỷ USD trong một thị trường với 472 triệu dân. Dự kiến, các vòng đàm phán TPP tiếp theo sẽ diễn ra tại Mỹ vào tháng 9/2011 và Pêru vào tháng 10/2011, với hy vọng đạt được thỏa thuận khi diễn ra Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11 ở Mỹ.

TPP được cho là một tiến trình hội nhập thương mại kinh tế tham vọng nhất trong lịch sử khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khi liên quan tới 9 nền kinh tế năng động thuộc 3 châu lục và sẽ là hiệp định đầu tiên nối liền hai bờ Đông Tây của Thái Bình Dương.

Khi hoàn tất, TPP sẽ để ngỏ cho các thành viên khác tham gia nếu họ chấp thuận những "tiêu chuẩn cao" trong những lĩnh vực như lao động, môi trường và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước mà Mỹ hy vọng sẽ được đưa vào hiệp định này.

Ngọc Quang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục