Năm 2010 lạm phát có thể giữ ở mức một con số

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau khi tăng mạnh vào những tháng đầu năm đã dần lấy lại sự ổn định và bắt đầu giảm từ tháng 5 trở lại đây. CPI tháng 5 tăng 0,27% so với tháng 4, tháng 6 tăng 0,22% so với tháng 5 và tháng 7 tăng 0,06% so với tháng 6, trong đó, CPI tháng 7 có mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay và cũng là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2004 trở lại đây. Với kết quả này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2010 có thể giữ lạm phát ở mức một con số.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau khi tăng mạnh vào những tháng đầu năm đã dần lấy lại sự ổn định và bắt đầu giảm từ tháng 5 trở lại đây.

Cụ thể, CPI tháng 5 tăng 0,27% so với tháng 4, tháng 6 tăng 0,22% so với tháng 5 và tháng 7 tăng 0,06% so với tháng 6, trong đó, CPI tháng 7 có mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay và cũng là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2004 trở lại đây.

Với kết quả này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2010 có thể giữ lạm phát ở mức một con số.

Với diễn biến CPI có xu hướng ổn định trong bốn tháng liên tiếp, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định mặt bằng giá tiêu dùng đang khá ổn định và xu hướng ổn định sẽ tiếp tục được duy trì trong một vài tháng tới.

"Chính sách kinh tế vĩ mô phát huy tác dụng cộng với việc tăng cường quản lý giá cả thì lạm phát cả năm 2010 có thể giữ được ở mức một con số," Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, Viện Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận xét.

Theo phân tích của các chuyên gia thuộc Tổ điều hành thị trường trong nước, giá cả đã giữ được xu hướng ổn định do các biện pháp kiềm chế lạm phát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, các chương trình bình ổn thị trường tại một số tỉnh, thành phố lớn được triển khai và bước đầu phát huy tác dụng.

Phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6/4/2010 về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và các nghị quyết khác của Chính phủ, nhờ đó đã đạt được những kết quả tích cực trong việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.

Mặc dù vậy, bảy tháng đầu năm, CPI đã tăng 4,84%, trong đó nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất (tăng 8,57%) do các tháng đầu năm các mặt hàng lớn thuộc nhóm này tăng như thép xây dựng, điện, nước, gas, giá thuê nhà...; tiếp đến là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 7,98% do tác động của việc tăng lương và nhóm thực phẩm cũng tăng khá cao (tăng 7,56%) do tác động của dịch bệnh và Tết Nguyên đán.

Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo theo quy luật, giá cả thường có xu hướng tăng mạnh về cuối năm. Trong những tháng cuối năm, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như giá cả trên thị trường thế giới tăng gây áp lực đến mặt bằng giá cả trong nước, lãi suất tín dụng cao vẫn là những khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp; thiên tai, dịch bệnh vẫn có nguy cơ lây lan và diễn biến khá phức tạp...

Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, ngay trong tháng 8 này, giá một số mặt hàng thiết yếu đã bắt đầu có xu hướng tăng do tác động của giá thế giới, do tính mùa vụ cũng như ảnh hưởng của mùa mưa bão.

Vì vậy, trong các tháng cuối năm 2010, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, giảm dần tốc độ tăng giá, trong đó chú trọng làm tốt kiểm soát giá, không để tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ...

Để thực hiện mục tiêu kiểm soát CPI cả năm ở mức từ 7-8%, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo tăng cường kiểm soát tốt hơn giá các mặt hàng trọng yếu như giá thuốc chữa bệnh, giá sữa, ổn định giá than cho điện, điều chỉnh giá xăng dầu sẽ nhịp nhàng hơn.../.

Thu Hường (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục