Malaysia lần đầu bổ nhiệm nữ thẩm phán Hồi giáo

Tòa án Hồi giáo Shariah của Malaysia đã bổ nhiệm phụ nữ làm thẩm phán, hành động được các nhà bảo vệ quyền lợi phụ nữ hoan nghênh.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Tòa án Hồi giáo Shariah của Malaysia đã bổ nhiệm phụ nữ làm thẩm phán, một hành động được các nhà hành động bảo vệ quyền lợi phụ nữ hoan nghênh và coi đó là sự tăng cường thế mạnh của hệ thống tư pháp nước này, vốn vẫn bị cáo buộc thường bênh vực phái mạnh.

Suraya Ramli và Rafidah Abdul Razak vốn là các quan chức của Cục Tư pháp Hồi giáo của chính phủ, được bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án Hồi giáo khu vực Kuala Lumpur và thủ đô hành chính Putrajaya hồi tháng Năm. Tuy nhiên, tuần trước Thủ tướng Najib Razak mới thông báo tin này.

Ông Najib cho rằng bước đi này nhằm tăng cường giải quyết bằng pháp lý các trường hợp liên quan đến gia đình và quyền lợi của phụ nữ ở Malaysia, nơi có tới 2/3 của 28 triệu dân là người Hồi giáo.

Phụ nữ Hồi giáo Malaysia từ lâu vẫn phàn nàn rằng họ bị phân biệt đối xử trong các vụ xét xử liên quan tới ly hôn, quyền chăm sóc con cái, thừa kế, tục lệ đa thê và những tranh chấp khác tại tòa án Hồi giáo, nơi chuyên giải quyết các vấn đề liên quan tới gia đình và giáo lý của người Hồi giáo Malaysia.

Lâu nay, nhiều phụ nữ Hồi giáo thường than thở rằng tòa án Hồi giáo thường chậm trệ trong việc trừng phạt các ông chồng cũ của họ về tội không chịu gửi tiền để nuôi dạy con cái. Ai cũng biết các đấng mày râu ở Malaysia tương đối dễ dàng ly dị vợ trong khi họ được nhận phần tài sản lớn hơn khi ra tòa.

Norhayati Kaprawi, nhà hoạt động nổi tiếng bảo vệ quyền lợi của phụ nữ Hồi giáo nói rằng việc bổ nhiệm này là quá chậm.

Điều các nữ thẩm phán này giờ đây phải làm là đảm bảo rằng họ sẽ mang đến công lý và thấu hiểu đời sống thực tế của chị em phụ nữ Hồi giáo./.

Thanh Thủy/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục