Chứng khoán biến động trước diễn biến kinh tế Mỹ

Các cuộc tranh cãi quanh "vách đá tài chính" Mỹ đã gây tác động chi phối tới thị trường chứng khoán Phố Wall trong suốt tuần qua.
“Vách đá tài chính” có lẽ là chủ đề khiến lưỡng viện Mỹ phải “đau đầu” nhất trong thời gian gần đây, khi mà chỉ còn một tháng nữa là các chính sách tăng thuế và giảm chi tiêu công sẽ tự động được triển khai tại nước này nếu Quốc hội Mỹ không hành động, khiến nền kinh tế số một thế giới đứng trước nguy cơ chìm sâu hơn vào suy thoái.

Đây cũng là nhân tố chính chi phối thị trường chứng khoán Phố Wall trong suốt tuần qua, bên cạnh một nỗi lo cố hữu khác mang tên khủng hoảng nợ công tại châu Âu.

Sau kỳ nghỉ Lễ tạ ơn, Phố Wall khởi động tuần mới trong không khí khá ảm đạm, khi mà trong hai ngày đầu tuần (26 và 27/11), các chỉ số chứng khoán chính đồng loạt khép phiên với “sắc đỏ”. Mọi con mắt của nhà đầu tư đang dồn về Washington, nơi mà “vách đá tài chính” với các kế hoạch tăng thu giảm chi đang là mối quan tâm hàng đầu, song sự thất vọng đã được thể hiện rõ khi Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Harry Reid thông báo rằng các cuộc đàm phán về ngân sách của Mỹ chỉ đạt được rất ít tiến bộ.

Đây là phát biểu kém lạc quan thứ hai về vấn đề này, sau ý kiến của Thượng nghị sỹ Dick Durbin.

Thông tin này đã khiến thị trường cổ phiếu “lao dốc” và làm “lu mờ” thỏa thuận mới đạt được giữa các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về kế hoạch giảm nợ cho Hy Lạp, đưa tỷ lệ nợ của nước này xuống 124% GDP vào năm 2020, dưới 110% GDP vào năm 2022 và sau đó sẽ giải ngân 43,7 tỷ euro khoản cứu trợ tiếp theo cho Athens sau nhiều tháng trì hoãn nhằm giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Tuy nhiên, trong hai phiên giao dịch liên tiếp sau đó (ngày 28 và 29/11), thị trường chứng khoán Mỹ lại đảo chiều tăng trở lại, nhờ những phát biểu của các chính trị gia nước này về khả năng lưỡng viện Quốc hội Mỹ có thể đạt được nhất trí trong việc ngăn chặn việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trong tài khóa tới.

Tâm lý lạc quan còn lan rộng trên thị trường sau khi báo cáo trong Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế  Mỹ hiện tại (Beige Book) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết hoạt động kinh doanh tại Mỹ đang trên đà gia tăng.

Ngoài ra, “sắc xanh” của Phố Wall còn được tô điểm bởi việc Bộ Thương mại Mỹ vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế quý 3 của nước này từ mức 2,0% trước đó lên mức 2,7%, tín hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi vững. Bên cạnh đó, số liệu tích cực trên thị trường việc làm Đức trong tháng 10/2012 cũng góp phần vào sự đi lên của thị trường cổ phiếu toàn cầu.

Trong phiên giao dịch kết thúc tháng 11 (ngày 30/11), chứng khoán Mỹ lại diễn biến trái chiều do sự trì trệ trong tiến trình đàm phán về ngân sách giữa hai chính đảng của Mỹ nhằm chặn đứng “vách đá tài chính” tiếp tục đè tặng lên tâm lý của giới đầu tư, bất chấp số liệu mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho hay số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần trước (kết thúc ngày 24/11) đã giảm 23.000 người xuống còn 393.000 người. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn đưa ra những nhận định lạc quan về khả năng Mỹ sẽ thoát khỏi “vách đá tài chính”, khi các cuộc đàm phán về ngân sách đạt được kết quả cần thiết.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng không đáng kể 3,76 điểm, tương đương 0,03%, lên 13.025,58 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng chỉ “nhích” 0,23 điểm (0,02%), lên mức 1.416,18 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite lại đảo chiều hạ nhẹ 1,79 điểm (0,06%), xuống còn 3.010,24 điểm.

Tính chung cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,1%, chỉ số S&P 500 tăng 0,5% và chỉ số Nasdaq tăng 1,5%. Xét từ đầu tháng 11/2012 tới nay, chỉ số S&P 500 tăng 0,29%, Nasdaq tăng 1,1%, song Dow Jones lại giảm 0,5%./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục