Ấn Độ tạo đột phá trong điều trị bệnh tiểu đường

Bệnh nhân tiểu đường có thể tự tiêm insulin chỉ một lần trong tháng hoặc ít hơn thay vì luôn phải mang kim tiêm bên mình mỗi ngày.
Các nhà khoa học Ấn Độ ngày 13/7 cho biết đã tạo được một bước đột phá theo đó có thể giúp bệnh nhân tiểu đường có thể tự tiêm insulin cho mình chỉ một lần trong tháng hoặc ít hơn thế thay vì luôn phải mang kim tiêm bên mình mỗi ngày.

Các nhà nghiên cứu tại Học viện Miễn dịch Quốc gia ở New Delhi cho biết họ đã tiến hành thành công một cuộc thử nghiệm kéo dài hai năm trên chuột và thỏ một loại thuốc giúp giải phóng insulin chậm vào cơ thể trong nhiều tuần thậm chí nhiều tháng.

Theo một báo cáo đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS), Mỹ, các nhà khoa học Ấn Độ khẳng định chỉ với một liều SIA-2 duy nhất có thể duy trì một lượng tối thiểu insulin trong máu chuột suốt 120 ngày.

Anoop Misra, Giám đốc khoa tiểu đường Bệnh viện Fortis ở New Delhi kiêm Chủ tịch Quỹ Tiểu đường (Ấn Độ) nói: “Tôi nghĩ rằng đây là một tiến triển đáng kinh ngạc.” Ông Misra cho biết với liều tiêm mỗi tuần một lần sẽ tạo ra tiến triển tốt nhưng với liều tiêm hàng tháng thì đó thực sự là vấn đề mang tính tiên phong.

Misra cho rằng việc kiểm soát bệnh tiểu đường lâu dài hơn với nguồn dự trữ insulin đều đặn là điều hết sức mới mẻ tuy rằng hiện nó mới đang trong giai đoạn thử nghiệm trên động vật. Theo ông, đây vẫn là giai đoạn đầu của tiến trình phát triển của phương pháp mới này.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 220 triệu người trên toàn thế giới hiện đang mắc bệnh tiểu đường trong đó có tới hơn 1 triệu người tử vong vì căn bệnh này mỗi năm. Căn bệnh này hành hạ ngày càng nhiều người dân châu Á do mối liên quan của nó với lối sống hiện đại và gen di truyền của gia đình.

Một số bệnh nhân tiểu đường phải tiêm insulin cứ vài tiếng một lần và phải theo dõi chế độ ăn và lượng đường trong máu một cách cẩn thận vì cơ thể của họ không có khả năng “tiêu hóa” đường trong máu./.

Cao Phong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục